۰۪۪۫۫●۪۫۰-SolitaryWolf--IT--Let's share together-۰۪۪۫۫●۪۫۰

The place for everyone to discuss anything that you like..specially for Information Technology... Software,Hardware,Program C,C++,C# and more...


Ngôi nhà bỏ trống

Phần 1:

Vào mùa xuân năm 1894, cả thành phố Luân Đôn đều bàn tán xôn xao về vụ ám sát bá tước Ronald Adair trẻ tuổi. Vụ ám sát xảy ra trong một bối cảnh khác thường và đầy bí ẩn. Đông đảo công chúng đều biết đến những tình tiết của vụ án, theo cách đánh giá chủ quan của cảnh sát. Nhưng vì lý do nào đó, phần lớn những tình tiết phải giấu kín. Mười năm trôi qua, hiện giờ tôi mới có khả năng bổ sung thêm những mắt xích còn thiếu trong chuỗi sự kiện đầy bí ẩn kia. Bản thân vụ án đã là một điều lý thú; nhưng những hậu quả không lường trước được đối với tôi còn quan trọng hơn gấp nghìn lần. Nhưng hậu quả này, làm cho tôi bàng hoàng, chấn động hơn tất cả những gì mà tôi từng gặp trong đời mình; dù cuộc đời của tôi nếu không có sự kiện ấy thì cũng đã chứng kiến nhiều cuộc trinh thám ly kỳ.
Thậm chí ngay bây giờ, sau nhiều năm, tôi vẫn còn cảm giác run sợ, khi nghĩ lại câu chuyện xa xưa, và tôi vẫn bị một nỗi hoài nghi, thảng thốt, vui buồn lẫn lộn bao trùm và xâm chiếm toàn bộ tâm hồn. Tôi mong các bạn độc giả, vẫn thường quan tâm tới những mẩu chuyện của tôi về những việc làm và những suy luận của một con người tuyệt vời hãy tha thứ cho tôi, vì việc tôi không chia sẻ với các bạn điều khám phá của mình. Tôi tự đặt cho mình một nghĩa vụ là phải báo cho các bạn tất cả sự thật, một khi tôi không còn bị ràng buộc bởi chuyện cấm đoán xuất phát từ chính ý muốn của bạn tôi. Câu chuyện ngăn cấm được phát ra cũng vừa mới đây, ngày mồng ba tháng trước.
Trong thời gian tôi và Sherlock Holmes còn gắn bó mật thiết với nhau tôi đã quan tâm một cách sâu sắc tới những chuyện hình sự. Kể từ khi anh biệt tăm mất tích, tôi trở thành kẻ thường xuyên theo dõi trên các báo chí tất cả các vụ án chưa được khám phá. Đội lúc, để thỏa mãn tính hiếu kỳ, tôi đã có ý định tham gia vào chuyện phá án, tôi sử dụng những phương pháp, thủ thuật như của bạn tôi thường làm, mặc dù còn lâu tôi mới đạt được trình độ ấy.
Tuy thế, không có vụ án nào lại làm cho tôi hồi hộp, lo âu bằng câu chuyện tang thương của Ronald Adair. Trong số tài liệu điều tra, có đoạn nói thế này :
“Vụ ám sát đã được tính toán từ trước và do một người hoặc một nhóm người lạ thực hiện”.
Sau khi đọc xong lời nhận xét như vậy, tôi càng thấy thấm thía hơn bao giờ hết rằng cái chết của Sherlock Holmes đã gây cho Tổ quốc chúng ta một tổn thất to lớn biết nhường nào. Trong chuyện này, nhất thiết phải có những tình tiết làm cho Sherlock Holmes chú ý; và như vậy hoạt động của cảnh sát sẽ được bổ sung đầy đủ và đạt kết quả hơn nếu như họ có sự giúp sức của bộ óc thông minh và đôi mắt quan sát tinh tế của nhà thám tử sành sỏi nhất Châu Âu này.
Sau khi đi thăm bệnh nhân cả ngày về, tôi lại tập trung vào những suy nghĩ làm tôi nhức đầu, đó là câu chuyện của Adair, nhưng tôi không thể nào tìm ra được một lời giải đáp thỏa đáng. Tôi đánh bạo lặp lại những gì mà mọi người đã biết, tôi cũng muốn nêu lên những dữ kiện theo dạng đã được thông báo cho công chúng biết, sau khi kết thúc cuộc điều tra.
Ngài Ronald Adair là con trai thứ hai của bá tước Maynooth - Bá tước Maynooth là tổng đốc toàn quyền một khu vực thuộc địa của người Anh ở Áo. Người mẹ của Adair đã từ Áo đến nước Anh để giải phẫu mắt, cắt bỏ cái vây mọc ở mắt; và đã cùng cậu con trai Adair và cô con gái Hilda sống ở Park Lane, số nhà 427.
Chàng thanh niên thường giao du với những người tốt, và hình như không có địch thủ nào; cũng chưa làm gì đáng chê trách. Đã có thời chàng đã đính hôn với tiểu thư Edith Woodley ở bang Carstairs, nhưng trước khi xảy ra vụ án mạng vài tháng thì cả chú rể lẫn cô dâu đã quyết định chia tay nhau : không ai hối hận về chuyện này cả. Nói chung, cuộc đời của chàng thanh niên trai trẻ chỉ bó hẹp trong quan hệ gia đình và trong giới thượng lưu. Tính tình anh ta điềm đạm, thói quen và sở thích không có gì xấu. Thế nhưng một cõi chết bất ngờ nhất và kỳ lạ nhất đã chợp đi một nhà quý tộc trẻ vô tư chuyện đó xảy ra vào khoảng 23 giờ 10 phút đến 23 giờ 20 phút ngày 30 tháng 3 năm 1894.
Ronald Adair là một người thích cờ bạc, nhưng chưa bao giờ tỏ ra vượt quá giới hạn. Anh ta là thành viên của ba câu lạc bộ : Baldwin, Cavendish và Bagathel. Người ta đã điều tra và xác định rằng, trong ngày bị giết, sau bữa cơm chiều, Ronalđ đã chơi một ván bài ở câu lạc bộ Bagathel. Thậm chí, trước bữa cơm chiều anh ta cũng có chơi ở đấy rồi. Những người cùng chơi với anh ta là : ngài Murray, ngài John Hardy và ngài đại tá Moran.
Adair bị thua mất năm bảng Anh. Gia tài của anh ta khá lớn, nên việc thua bạc như vậy không làm cho anh ta bận tâm chút nào. Anh ta hầu như ngày nào cũng chơi và thường là được bạc.
Những lời khai của các nhân chứng đã làm sáng tỏ thêm một chuyện. Là khoảng một tháng rưỡi trước khi bị giết, Adair cùng chơi với ngài đại tá Moran, một buổi tối đã ăn của ngài Godfrey Milner và huân tước Balmoral 420 bảng. Đấy là tất cả những gì biết được về những tuần cuối cùng cửa đời anh ta.
Vào buổi tối bất hạnh đó, anh ta từ câu lạc bộ trở về nhà đúng 22 giờ đêm. Mẹ và em gái anh ta đi vắng : họ đi thăm người quen chưa về. Người hầu gái thề rằng, cô ta đã nghe thấy anh ta bước vào phòng của mình. Căn phòng ấy nằm trên tầng hai, cửa sổ hướng ra đường phố, anh dùng làm phòng tiếp khách. Trước khi bá tước trẻ tuổi về, người hầu gái vừa nhóm lò sưởi xong, lò sưởi vẫn còn bốc khói nghi ngút, cô ta phải mở toang các cửa sổ để thoáng khói. Trước 23 giờ 20 phút không hề nghe một động tĩnh nào phát ra từ căn phòng của bá tước. Lúc ấy bà Maynooth và cô con con gái về đến nhà. Bà Maynooth muốn ghé lại chỗ cậu con trai để chúc cậu ngủ ngon, nhưng cánh cửa phòng đã được khóa chặt bên trong; mặc cho người ta gào thét, đập cửa, không một ai lên tiếng. Thấy vậy người mẹ hô hoán lên, bắt người nhà phải phá cửa. Chàng thanh niên xấu số đang nằm gục dưới sàn nhà, ngay cạnh chiếc bàn. Đầu anh ta bị một viên đạn súng lục bắn thủng, trông thật khủng khiếp. Nhưng rất kỳ lạ là trong phòng không thấy một thứ vũ khí nào hết.
Trên bàn có hai tờ ngân phiếu trị giá 10 bảng Anh và 17 đồng bảng Anh với 10 silinh, bằng bạc có, bằng vàng có. Những đồng bạc được xếp thành từng chồng nhỏ với từng loại giá trị khác nhau. Bên cạnh những đồng bạc là một tờ giấy có ghi những con số và ngang hàng với những con số đó là tên những người bạn cùng câu lạc bộ của Adair. Từ dữ kiện này có thể rút ra một nhận xét :
Trước khi chết, chàng trai đã tính toán những ván thua, thắng bạc của mình.
Phần 2:
Sau khi nghiên cứu kĩ các dữ kiện, công việc càng trở nên rối rắm, mù mịt hơn. Một điều làm chúng ta khó hiểu : vì sao chàng trai phải khóa chặt cửa từ bên trong? Thực ra kẻ giết người cũng có thể khóa cửa, rồi trèo qua cửa số để tẩu thoát.
Nhưng dưới những cánh cửa sổ là những bồn hoa hồng lại không hề bị dẫm nát; hơn nữa từ cửa sổ đến mặt đất phải đến 20 foot. Không một cây hoa nào bị giầy xéo, làm nát. Ngay cả lớp đất giữa nhà và con đường cũng không hề có một dấu vết nào. Rõ ràng là chính Adair đã tự tay khóa cửa. Nhưng sao cái chết lại đột ngột dội vào đầu anh ta? Cứ giả thiết rằng tên sát nhân đã bắn qua cửa sổ, thì đó phải là một phát súng rất đặc biệt, vì chỉ bằng một viên đạn súng lục đã giết chết chàng trai ngay lập tức với một khoảng cách quá xa như vậy thì đâu phải chuyện dễ dàng? Hơn nữa, Park Lane là một đường phố nhộn nhịp, đông người qua lại; cách nhà 100 acđơ có một trạm xe ngựa. Không một người nào nghe thấy tiếng súng nổ. Vậy mà, có một người bị ám hại nằm xuống chỉ với một viên đạn súng lục bắn xuyên thủng đầu? Xét theo vết thương thì chính viên đạn kia là nguyên nhân gây ra tử vong. Bối cảnh vụ án đầy bí ẩn ở Park Lane là như vậy! Một vụ giết người có ẩn số đầy bí hiểm bởi thiếu hoàn toàn những nguyên do xác đáng, lôgic. Anh bạn trẻ Adet không hề có địch thủ, còn tiền nong cũng như giấy tờ quý giá khác thì không hề suy suyển.
Suốt ngày tôi suy đi, nghĩ lại trong óc tất cả những dữ kiện ấy, với tham vọng cố đặt ra cho nó một giả thiết có phần nào phù hợp và đủ sức thuyết phục.
Tôi cố gắng tìm ra “điểm ít khả năng bị bác bỏ nhất” điều mà người bạn xấu số của tôi luôn luôn lấy làm kim chỉ nam cho các công cuộc khám phá. Tôi thành thật thú nhận mình hoàn toàn không đạt được ý đồ đó.
Buổi chiều tôi thơ thẩn, lang thang trong công viên: khoảng 18 giờ, bỗng dưng tôi đi đến góc phố giữa đường Park Lane và đường Oxford không hề có ý định trước. Tôi thấy một nhóm người vô công rồi nghề đang túm năm tụm ba, nhòm ngó vào một chiếc cửa sổ ngôi nhà đã xảy ra vụ án mạng đầy bí ẩn. Một gã đàn ông cao, gầy đeo kính râm to, - tôi nghĩ chắc là một thám tử giả dạng - đang thử nêu một giả thiết về án mạng, những người tò mò bao quanh ông ta chật cứng, chăm chú lắng nghe. Tôi cũng định xán lại, nhưng khi nghe loáng thoáng những nhận định, phán đoán ngu xuẩn, tôi có cảm giác kinh tởm và thối lui. Vô tình tôi đụng phải một ông già gù lưng đứng phía sau, mấy cuốn sách mà ông ta đang kẹp nách bị rơi ra. Trong lúc cúi xuống nhặt giúp mấy cuốn sách cho ông lão, tôi chợt đọc thấy một tên sách “Sự ra đời và việc sùng bái cỏ cây”. Tôi thoáng nghĩ : thật là một con mọt sách tội nghiệp; chắc vì để kiếm sống, hoặc vì yêu thích nghệ thuật, nên đã cố sưu tầm những cuốn sách quý hiếm. Tôi định nói vài câu xin lỗi cho sự vô tình của mình đã làm rơi những vật mà chủ nhân của nó nâng niu, trân trọng; nhưng ông già càu nhàu, tức tối và khinh khỉnh quay đi. Chỉ một loáng cái lưng gù gù và bộ râu quai nón bạc trắng của ông đã lẩn vào đám đông.
Những quan sát ở ngôi nhà 427 phố Park Lane đã giúp tôi được chút ít trong công việc khám phá lời giải đáp mà tôi quan tâm. Ngôi nhà được ngăn cách với đường phố bằng một bức tường thấp, trên tường có chăng dây thép. Dây thép cao chưa đến 5 foot. Mọi người dễ dàng lọt được vào vườn. Nhưng trèo lên cửa số thì khó thực hiện được, vì không có ống thoát nước, không hề có một cái gờ nào nhô ra, cho nên ngay cả một nhà thể thao điêu luyện nhất cũng không thể trèo lên theo bức tường được.
Càng thấy mơ hồ hơn, tôi quay về phố Kensington để về nhà. Tôi bước vào phòng mình chưa đầy 5 phút thì người hầu gái đã báo với tôi là có một người khách muốn gặp tôi. Tôi thật sửng sốt và ngạc nhiên, vì đó không phải ai xa lạ, mà chính là ông già gù gù, thích sưu tầm sách quý tôi gặp lúc chiều. Bộ tóc bạc phau, trùm gần kín khuôn mặt nhăn nheo, nhọn hoắt của ông. Ông kẹp ở nách có đến một tá những cuốn sách loại quý :
- Chắc ngài rất ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi?
- Ông ta hỏi với giọng the thé rất kì dị.
Tôi thú nhận là ông ta đoán đúng.
- Ngài thấy không, tôi là một người lịch sự. Tôi lững thững đi theo con đường mà ngài đi, tôi chợt thấy ngài bước vào ngôi nhà này. Tôi tự nhủ với mình là cần ghé lại gặp con người lịch thiệp kia để xin lỗi. Nếu tôi có thô thiển lố bịch với ngài, thì thú thật tôi cũng không có ý định làm cho ngài bực dọc. Tôi mang ơn ngài rất nhiều, vì ngài đã hạ cố cúi nhặt giúp tôi những cuốn sách.
- Chuyện nhỏ nhặt ấy, không nên bận tâm làm gì. - Tôi đáp. - Ngài cho phép tôi được hỏi, làm sao ngài biết được tôi là người như thế nào?
- Tôi cũng xin mạnh dạn nói với ngài rằng là hàng xóm láng giềng với ngài. Tiệm sách bé nhỏ của tôi nằm ở góc phố Church, tôi rất hân hạnh nếu được ngài ghé lại chơi. Có lẽ ngài cũng là người ham mê sách? Tôi xin giới thiệu với ngài đây là cuốn “Những giống chim ở British”, “Catullus”, “Cuộc chiến tranh thiêng liêng”. Ngài mua đi, tôi sẵn sàng bán giá rẻ. Năm tập này, vừa vặn đủ lấp kín chỗ trống ở ngăn thứ hai tủ sách của ngài. Tôi thấy hình như giá sách của ngài không được đẹp mắt lắm thì phải, thưa ngài?
Tôi ngoái cổ để nhìn lại giá sách, khi quay lại thì tôi không thể tin ở mắt mình được nữa: Sherlock Holmes đang đứng ngay bên chiếc bàn của tôi và đang cười. Tôi khuỵu xuống vài giây.
Tôi ngơ ngác nhìn anh, và sau đó thì, có lẽ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, tôi đã bị ngất. Tôi chỉ mang máng nhớ là có một đám mây xám đang nhập nhòa trước mắt. Khi đám mây tan biến đi, tôi thấy cổ áo của mình bị mở phanh ra và tôi ngửi thấy thoang thoảng mùi rượu Cô nhắc. Holmes vẫn đứng đấy trên tay cầm chai rượu, đầu hơi cúi xuống.
- Watson thân mến! - Một giọng nói khá thân thuộc cất lên - nghìn lần tớ xin lỗi cậu. Tớ không ngờ cái ấy lại gây cho cậu một xúc động mạnh như vậy.
Tôi nắm lấy tay anh.
- Holmes! - Tôi thốt lên. - Có phải thật cậu không? Chẳng lẽ cậu vẫn còn sống ư? Không thể nào tin được, làm sao cậu vượt lên được cái thác nước khủng khiếp ấy?
- Hãy đợi chút đã. - Anh nói. - Không biết cậu đã bình tĩnh lại chưa? Rõ ràng sự xuất hiện quả đường đột của tớ đã làm cho cậu choáng váng.
- Tớ đã bình tĩnh lại rồi. Nhưng thú thật với cậu, tớ không còn tin vào mắt mình nữa. Thật hú vía! Chẳng lẽ chính cậu đấy ư? Không phải ai khác đang đứng trong phòng tớ đấy chứ?
Tôi lại nắm lấy cánh tay anh và bóp nắn cánh tay gân guốc.
- Đúng rồi, chính là cậu rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, - Tôi tiếp. - Bạn yêu mến của tôi ơi! Tớ hạnh phúc biết bao khi được gặp lại cậu! Hãy ngồi xuống cái đã, và hãy kể vắn tắt cho tớ nghe, bằng cách nào cậu thoát khỏi vực thẳm kia?
Holmes ngồi xuống đối diện với tôi, với dáng điệu quen thuộc như xưa, anh lấy thuốc ra châm hút. Anh vẫn đang mặc chiếc áo đã sờn với dạng của người bán sách cũ, nhưng những thứ dùng để cải trang như bím tóc bạc, túi đựng sách cũ.... đã nằm trên bàn. Tôi có cảm giác anh gầy hơn xưa, cái nhìn của anh có vẻ sắc sảo hơn. Khuôn mặt trắng xanh nhợt nhạt của anh chứng tỏ trong thời gian qua, anh đã nếm nhiều khổ cực, đã trải qua một chặng đường đời khắc khổ không có lợi cho sức khỏe.
- Watson, được duỗi thẳng người ra thật khoan khoái! - Anh lên tiếng,
- Một người cao lớn như tớ, không dễ dàng gì mà rút đi một foot; và bắt buộc giữ tình trạng đó suốt mấy tiếng đồng hồ. Bây giờ, chúng ta sẽ đề cập đến những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.... Tớ muốn cầu cứu sự giúp đỡ của cậu, nếu cậu không phản đối. Cả hai chúng mình sẽ phải thức trắng suốt đêm nay với một công việc nặng nhọc đầy nguy hiểm. Tốt nhất, nên để chuyện cuộc phiêu lưu của tớ đến lúc công việc kia giải quyết xong xuôi.
- Nhưng tớ đang cháy ruột, cháy gan vì tò mò. Holmes, tớ nóng lòng được cậu kể ngay bây giờ.
- Cậu có đồng ý đi với mình đêm nay không?
- Đi bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, tùy cậu.
- Hoàn toàn như ngày xưa. Chúng ta vẫn còn kịp giải lao cho thư thả trước lúc lên đường.... Nào, bây giờ tớ bắt đầu câu chuyện về cái thác nước. Nguyên nhân đơn giản làm cho tớ lên được khỏi vực thẳm, là tớ chưa hề bị rơi xuống đó.
- Cậu không bị rơi xuống vực à!
- Đúng thế, Watson ạ, không hề bị rơi. Thế nhưng, mẩu thư tớ viết cho cậu hoàn toàn là sự thật. Khi bóng dáng độc ác của giáo sư Moriarty xuất hiện trên lối mòn chật hẹp, chặn ngăn con đường giải thoát duy nhất của tớ, lúc ấy nghĩ, mọi chuyện đối với tớ như vậy đã chấm dứt. Trong đôi mắt màu nâu của hắn, tớ đọc được quyết định không thể nào lay chuyển nổi về số phận của tớ. Tớ trao đổi với hắn vài ba câu, hắn lịch sự cho phép tớ được viết một mẩu tin ngắn ngủi, cậu đã nhận được bức thư. Tớ để lá thư cùng hộp thuốc và cây gậy lại, còn tự mình đi theo lối mòn tiến về phía trước. Moriarty đi theo sau tớ từng bước một. Khi đến đoạn cuối cùng của lối mòn, tớ dừng lại, bởi có đi tiếp cũng không còn đường nào hết. Hắn không thèm lấy ra một thứ vũ khí gì, vội lao vào tớ và hắn dùng đôi tay dài ngoằng của mình chộp lấy tớ. Hắn biết, cuộc đời của hắn đã tới số, hắn chỉ cần thực hiện một việc là trả thù tớ. Không thèm buông ra, tớ với hắn giằng co ngay bên mép vực thẳm. Nhưng, nhờ tớ biết vài miếng võ Judo Nhật Bản, khoản này đã giúp tớ không ít trong công việc, tớ kịp thoát ra khỏi người hắn. Hắn thét lên nghe thật man rợ, loạng choạng vài giây, hai tay chới với trong không trung. Mặc dù hắn cố gắng hết sức, nhưng vẫn không thể giữ nổi thăng bằng và ngã xuống. Đứng trên bờ vực thẳm, tớ nhìn theo rất lâu xem hắn bị rơi xuống vực như thế nào? Tớ thấy hắn va vào gờ của một tảng đá và chìm nghỉm dưới nước.
Phần 3:
Tôi lắng nghe Holmes kể với tâm trạng hồi hộp vô cùng.
Còn anh vẫn thản nhiên, vừa kể vừa thả khói thuốc một cách khoan thai.
- Nhưng còn các vết chân! - Tôi thốt lên. - Chính tớ, bằng mắt mình đã trông thấy rõ rành rành hai dãy bước chân cùng đi lên theo lối mòn, dấu quay lại không hề có.
- Chuyện ấy xảy ra như thế này. Trong giây phút, khi giáo sư Moriarty rơi xuống vực; tớ hiểu rằng, vận may đã đến với tớ một cách không ngờ. Tớ biết rằng không phải chỉ có một mình Moriarty đang tìm cách giết tớ. Ít nhất phải có ba tên đồng bọn, cái chết của thủ lĩnh sẽ đốt cháy trong tim bọn nó một sự khao khát trả thù. Đó là một lũ người cực kỳ nguy hiểm. Trong tương lai, sẽ có một tên nào đó trong bọn chúng thực hiện mưu đồ làm hại tớ. Nếu chúng nghĩ rằng tớ đã chết, thì chúng sẽ hành động trắng trợn hơn, ít đề phòng và dễ dàng để lộ tung tích, lúc ấy, sớm hay muộn rồi tớ cũng có ngày tiêu diệt được chúng nó. Chỉ đến lúc này, tớ mới thông báo cho mọi người biết tớ vẫn còn sống! Bộ não của con người làm việc rất nhanh, Moriarty chưa kịp xuống tới đáy của vực nước Reichenbach tớ đã nghĩ xong kế hoạch đối phó rồi. Tớ đứng lên và quan sát bức tường đá sừng sững ở sau lưng. Trong đoạn miêu tả về cái chết tang thương của tớ, mà tớ rất thú vị đọc sau đó vài tháng, cậu cho rằng : bức tường đá hoàn toàn dựng đứng và trơn tuột. Không phải đúng hết như vậy. Trên tảng đá có vài chỗ gờ nhô ra, có thể đặt chân, bám vào được. Ngoài ra dựa vào các dấu hiệu, tớ tin sẽ có một cái hốc nào đấy ở trên cao.... Mỏm đá khá cao, rõ ràng không thể nào trèo lên đỉnh được, và cũng không thể đi theo lối mòn ẩm ướt mà không để lại dấu vết. Thực ra tớ cũng có thể mang giày cho gót lộn ngược cũng được, như tớ đã từng làm trong những trường hợp tương tự; nhưng ba dấu giày cùng đi theo một hướng, không thể tránh khỏi sự nghi ngờ rằng cố ý đánh lừa được.
Vì vậy tốt nhất cứ liều leo lên cao. Điều này không phải là dễ, thác nước đang réo ầm ĩ phía dưới. Tớ có cảm giác tiếng nói của Moriarty đang gọi tớ từ đáy vực thẳm vọng đến bên tai. Đôi lúc, khi một nắm cỏ nằm lại trên bàn tay, hoặc bàn chân bị trượt theo cái gờ đá ẩm ướt láng lầy, tớ nghĩ rằng mọi việc đã kết thúc. Nhưng tớ vẫn tiếp tục bò lên, cuối cùng tớ bò lên chỗ nứt lở khá sâu mọc đầy rêu xanh. Ớ đây, tớ có thề nằm duỗi tay, duỗi chân mà không sợ ai nhìn thấy, tớ nghỉ một lát cho sảng khoái. Tớ đã nằm ở đấy, trong lúc đó, cậu và những người được cậu mời tới, đã hoài công dựng lên bức tranh về cái chết của tớ.
Cuối cùng, sau khi đã rút ra kết luận hoàn toàn sai lầm về những diễn biến đã xảy ra, cậu quay về khách sạn, còn tớ nằm lại một mình. Tớ hình dung cuộc phiêu lưu của tớ đã kết thúc, nhưng một việc khá bất ngờ đã xảy ra, chứng tỏ là có một chuyện không kém phần ly kỳ đang chờ đợi tớ. Có một hòn đá to vỡ ra chợt bay vèo qua đầu tớ, rơi xuống lối mòn rồi rơi xuống vực. Lúc đầu tớ cứ nghĩ đó là một chuyện tình cờ. Nhưng, sau khi nhìn lên trên, tớ trông thấy một cái đầu của người đàn ông in trên nền trời đang tắt dần nắng. Đúng giây phút ấy, một hòn đá khác bay tới ngay sát cái hõm mà tớ đang nằm, cách đầu tớ chỉ vài inch. Tình thế đối với tớ đã quá rõ. Moriarty không phải chỉ đến một mình. Tên đồng bọn của hắn cũng khá nguy hiểm, thằng này chắc đứng cảnh giới, khi thằng Moriarty xông vào tấn công tớ. Từ xa, hắn đã chứng kiến cái chết của thủ lĩnh mình và thấy kẻ thù của hắn đã thoát nạn. Sau khi chờ đợi một lúc, hắn chạy vòng lên đỉnh bằng hướng khác và mưu toan thực hiện việc mà Moriarty đã không thành công.Watson, tớ suy tính chuyện này rất nhanh. Sau khi nhìn quanh, tớ lại trông thấy bộ mặt dữ tợn của hắn và hiểu rằng, hắn là kẻ đã ném thêm viên đá nữa. Tớ quyết định bò xuống đến lối mòn. Tớ không biết, trong trạng thái bình thường, tớ có làm nổi chuyện ấy hay không? Tuột xuống khó gấp cả nghìn lần lúc leo lên. Nhưng không hơi đâu mà đắn đo, suy tính. Khi đó tớ đang treo người, hai tay bám vào mép của khe đá. Một viên đá thứ ba bay vù qua đầu tớ. Tụt được nửa đường, bỗng tớ trượt chân một cái, nhưng dẫu sao, tớ cũng đã đến lối mòn. Người bị rách bươm, thấm đầy máu, ba chân bốn cẳng tớ cắm đầu cắm cổ chạy. Trong đêm tối tớ chạy xuyên rừng, xuyên núi 10 dặm và một tuần sau tớ có mặt ở Flôrenx và tin chắc rằng : không một người nào trên đời này biết được số phận của tớ.

Chỉ một người biết được bí mật, đó là anh trai tớ - Mycroft. Nghìn lần xin lỗi cậu, Watson. Nhưng tớ bắt buộc phải làm như vậy, cứ để mọi người tưởng tớ chết thật là được rồi. Nếu không, không bao giờ cậu có thể viết lên những điều khẳng định chắc chắn về cái chết của tớ, nếu cậu tin rằng đó là sự thật. Trong ba năm ấy, đôi lần tớ định viết thư cho cậu, nhưng mỗi lần như vậy, tớ đành phải dằn lòng, vì sợ rằng mối mật thiết quá ư chặt chẽ giữa cậu và tớ sẽ dễ làm cho cậu có sơ suất, và sẽ lộ điều bí mật của tớ. Vì sao chiều nay tớ phải tránh mặt cậu, khi cậu làm rơi sách của tớ? Tớ thật liều lĩnh, nếu như cậu kêu lên vì kinh ngạc hoặc vì vui mừng, mọi người sẽ nhìn chằm chằm vào tớ chuyện đó sẽ dẫn đến hậu quả không thể cứu chữa được. Còn phải nói cho anh Mycroft, thì cực chẳng đã tớ mới thú thật mà thôi, bởi tớ rất cần một món tiền để tiêu sài.
Công việc ở Luân Đôn giải quyết rất tệ, tệ hơn là tớ mong đợi. Sau khi ra tòa, trong băng của Moriarty, còn hai tên đang nằm ngoài vòng pháp luật. Đó là hai tên cướp rất nguy hiểm, cả hai thằng đều là kẻ tử thù của tớ. Vì thế, tớ đã đi chu du trong hai năm ở vùng Tibet, và đến thăm thành phố Lhassa, thậm chí còn bỏ cả mấy ngày đến thăm giới tu hành tăng lữ. Có lẽ cậu đã đọc bài báo nói về vụ chấn động lớn của một người Na Uy, mang tên Sigerson, nhưng cậu làm sao có thể nghĩ rằng, bài ấy là của bạn mình. Tớ còn đi thăm vài nơi ở vương quốc Ả Rập, chuyến đi thăm do tớ đề nghị lên ngài Bộ trưởng ngoại giao.
Sau khi quay về Châu Âu, tớ ở lại thăm nước Pháp vài tháng, ở đây tớ tham dự vào công cuộc nghiên cứu, phân tích những chất lấy từ một vùng than đá. Việc này tớ làm ở một phòng thí nghiệm thuộc miền Nam nước Pháp - Montpellier, sau khi kết thúc tốt đẹp thí nghiệm và biết được hiện nay ở Luân Đôn chỉ còn sống sót một kẻ thù không đội trời chung của tớ, tớ suy tính chuyện trở về. Lúc đó tớ nghe tin vụ ám sát đầy bí ẩn ở phố Parka Leyn và nóng lòng ra đi. Tớ cũng đã nghiên cứu kỹ vụ này rồi. Đáp số của vụ án mạng sẽ giúp tớ thực hiện ý định của riêng mình. Thế là, tớ vội vã quay về Luân Đôn. Tự tớ đến hẻm Baker, và đã làm cho bà Hudson bị một phen hoảng sợ, lên cơn thần kinh. Anh trai tớ vẫn trông nom căn phòng và mọi giấy tờ vẫn nguyên vẹn như lúc tớ ra đi. Ngày hôm nay, lúc 14 giờ, tớ đã ghé vào căn phòng cũ của mình, ngồi vào chiếc ghế bành thân quen, và chỉ mong ước một điều duy nhất là làm sao cho người bạn cũ Watson của mình được cùng ngồi ung dung trong một chiếc ghế bành khác mà anh ta vẫn thường ngồi.
Câu chuyện kinh hoàng tôi đã được nghe trong buổi tối tháng tư là như vậy đấy. Tôi khó lòng tin đó là sự thật. Mặc dù chính mắt tôi đã trông thấy thân hình cao, gầy và khuôn mặt thông minh, cương nghị của người bạn mà tôi nghĩ rằng, không bao giờ tôi còn gặp lại. Không biết bằng cách nào, Holmes đã rõ cái chết của vợ tôi, sự thương cảm được thể hiện trong giọng nói của anh :
- Làm việc! Đó là cách tốt nhất để khuây khỏa nỗi đau khổ, Watson yêu quí - Anh động viên an ủi tôi.
- Khuya hôm nay, có công việc đang chờ chúng mình. Người có diễm phúc hoàn thành sứ mệnh một cách tốt đẹp có thể mạnh dạn tuyên bố rằng, anh ta đã sống một cuộc đời không phải là uổng phí, vô ích.
Tôi đã mất công để thuyết phục anh giải thích cho rõ.
- Đến sáng mai, cậu sẽ được nghe, được thấy đầy đủ, - Anh đáp. - Còn bây giờ không cần nói tới chúng ta còn khối chuyện để tâm sự. Cậu biết đấy, đã ba năm rồi chúng mình không được nhìn thấy nhau. Hy vọng chúng ta sẽ tâm sự đến 21 giờ 30 phút, rồi sẽ lên đường, đón nhận một cuộc phiêu lưu đầy thú vị trong một ngôi nhà bỏ trống.
Như ngày xưa, khi tôi ngồi cùng với anh trong một cỗ xe đúng giờ đã định, tôi sờ soạng khẩu súng ngắn nằm trong túi, tim đập liên hồi vì hồi hộp đón chờ những sự kiện chưa lường trước được.
Holmes thì trầm ngâm, đăm chiêu suy nghĩ. Khi ánh sáng của ngọn đèn đường hắt vào khuôn mặt khắc khổ của anh, tôi thấy anh khẽ ngước đôi lông mày, còn cặp môi mỏng thì mím chặt, chứng tỏ anh đang suy nghĩ rất căng thẳng. Tôi không biết, chúng tôi đang săn đuổi con thú ranh mãnh nào đây trong khu rừng rậm của thế giới tội phạm tại Luân Đôn. Nhưng tất cả dáng điệu của một người thợ săn đầy lão luyện như báo cho tôi rằng, cuộc trinh thám này sẽ là cuộc trinh thám nguy hiểm nhất, ác liệt nhất. Nụ cười mỉa mai thường xuyên xuất hiện trên gương mặt đăm chiêu của bạn tôi không hứa hẹn một điều gì tốt đẹp cho con thú chúng tôi đang săn đuổi.
Tôi đinh ninh rằng, thế nào chúng tôi cũng ghé về hẻm Baker, nhưng Holmes lại ra lệnh cho người xà ích dừng xe ở góc phố Cavendish. Trong lúc bước xuống xe, anh cẩn thận quan sát, nhìn soi mói vào từng ngóc ngách; kiểm lại xem có cái đuôi nào bám sau không. Chúng tôi bước vào một cái ngách trông rất lạ. Holmes luôn luôn làm cho tôi thán phục về sự hiểu biết tường tận khá nhiều góc hẻm ở Luân Đôn. Anh ung dung tự tin bước vào một góc tối đầy chuồng ngựa, đi qua những cái sân hôi hám, nhớp nhúa; tôi không thể tin sự tồn tại có mặt của những thứ ấy. Cuối cùng chúng tôi lọt vào một cái hẻm chật hẹp, có hai dãy nhà cũ kỹ, tối tăm ở hai bên. Đường này dẫn chúng tôi ra phố Manchester, rồi đến phố Blandford. Holmes nhanh nhẹn nhảy sang một lối hẹp khác, đi qua một hộc cửa bằng gỗ, lọt vào cái sân vắng vẻ. Anh dùng chìa khóa mở cửa sau một ngôi nhà. Chúng tôi bước vào, ngay lập tức anh khóa trái cửa lại.
Dù trời rất tối, nhưng tôi hiểu ngay là ngôi nhà này không có người ở. Nền nhà không lót thảm, kêu lên răng rác; lạo xạo dưới phân, tôi vô ý chạm phải những bức tường, nhiều tờ giấy dán tường bị bong ra treo trên đầu chúng tôi.
Những ngón tay gầy, lạnh lẽo của Holmes bóp chặt bàn tay tôi, anh dẫn tôi theo một hành lang dài, cuối cùng trước mắt chúng tôi hiện ra một cái vòm cửa sổ nửa cong, nửa thẳng đứng kín đáo, nằm trên chỗ cửa ra vào. Bỗng dưng Holmes quay về bên phải, và chúng tôi lọt vào một căn phòng hình vuông rộng lớn nhưng bị bỏ hoang; các góc, xó hoàn toàn tối om, nhưng ở giữa phòng thì được lờ mờ ánh sáng ngọn đèn đường. Cạnh cửa sổ không có một ngọn đèn nào, còn tấm kính trên cửa sổ thì bị một lớp bụi dày bao phủ. Chúng tôi nhận ra nhau khá chật vật.
Holmes đặt tay lên vai tôi, và cúi sát môi vào tai tôi.
- Cậu có biết chúng ta đang ở đâu không? - Anh thầm thì hỏi.
- Dường như trong hẻm Baker, - Tôi vừa nhìn vào tấm kính mờ đục vừa nói.
- Đúng như vậy, chúng ta đang đứng ở nhà Kem đem, đối diện với căn buồng trước kia của chúng mình.
- Chúng mình đến đây làm gì?
- Đến đây để nhìn hình dạng tuyệt vời của ngôi nhà kia. Không biết có nên tiến sát vào cánh cửa sổ không? Nhưng hãy thật thận trọng, đừng để ai phát hiện ra cậu. Cậu thử nhìn vào cửa sổ của buồng cũ chúng mình đi, nơi đó đang mở ra những cuộc trinh thám đầy thú vị. Cậu thử xem, tớ đã mất khả năng làm cậu kinh ngạc chưa, sau ba năm trời phiêu bạt?
Tôi nhẹ nhàng, cẩn tắc tiến về phía trước, nhìn vào khung cửa sổ vô cùng thân thuộc.... Bỗng nhiên tôi thốt lên một tiếng kinh ngạc, bức rèm được buông xuống, đèn sáng rực rỡ, có một người ngồi trên chiếc ghế bành kê ở giữa phòng, hắt bóng rất rõ lên nền sáng của cánh cửa sổ. Từ đầu, đến đôi vai rộng, cho đến khuôn mặt xương xương, cái đầu hơi xoay nghiêng, tạo nên một dáng dấp mờ ảo, những bà cụ rất thích được vẽ kiểu ấy.... Không còn gì nghi ngờ, đấy chính là một bản sao hoàn hảo chính xác con người Sherlock Holmes. Tôi kinh ngạc đến nỗi phải đưa tay lên sờ vào người anh để khẳng định anh vẫn đứng bên cạnh tôi.
Holmes cười không thành tiếng.
- Thế nào? - Anh hỏi.
- Chuyện này khó tin được! - Tôi thì thầm nói.
- Dường như, năm tháng không cướp đi khả năng sáng tạo của mình, còn thói quen cũng không vì thế bị khô mòn, - Anh nói.
Tôi cũng bắt gặp trong giọng nói anh một niềm vui sướng, kiêu hãnh của nhà họa sĩ đang thưởng thức công trình tuyệt tác của mình.
- Cậu thấy có thật giống mình không?
- Tớ nghĩ rằng, đây chính là cậu đang ngồi. Vinh dự này thuộc về ngài Meunier ở Grenoble. Ông ta đã tạc tượng tớ trong vòng có vài ba ngày. Nó được làm bằng sáp. Những phần còn lại tớ tự sắp đặt khi tớ quay về hẻm Baker sáng sớm hôm nay.
- Nhưng cậu làm thế nhằm mục đích gì?
- Tớ có nguyên nhân chính đáng. Tớ muốn một số người nào đó cứ đinh ninh là tớ đang ngồi ở nhà, trong khi ấy, thực tế tớ lại ngồi ở một nơi khác.
- Có nghĩa là cậu nghĩ rằng, có một bọn nào đó đang rình mò căn hộ ư?
- Tớ biết, có kẻ đang rình mò căn nhà.
- Kẻ đó là ai?
- Những kẻ thù của tớ. Cái băng đầy hấp dẫn mà tên thủ lĩnh đã vĩnh viễn nằm chôn vùi dưới đáy thác nước Reichenbach. Cậu biết đấy, chỉ có bọn nó mới biết chính xác là tớ vẫn còn sống. Chúng nó tin chắc, dù sớm hay muộn rồi tớ cũng quay về căn phòng cũ của mình. Tụi nó chưa chịu từ bỏ ý định theo dõi rình rập để hại tớ. Sáng nay chúng đã thấy tớ quay về nhà.
- Làm sao cậu đoán được điều đó?
- Trong lúc nhìn qua cửa sổ, tớ nhận ra một thằng thám thính của chúng. Tên của hắn là Parker, chuyên ăn cướp, giết người, đồng thời còn là một nhà tổ chức thiên tài. Tớ chú ý đến thằng này ít thôi. Một thằng khác làm cho tớ chú ý nhiều hơn, đáng gờm hơn là thằng núp sau lưng tên Parker. Đó là kẻ thân cận nhất của tay Moriarty. Chính hắn đã dùng đá ném tới tấp vào tớ từ ngọn núi đá. Hắn là một tên tội phạm ranh ma, xảo quyệt nhất, nguy hiểm nhất hiện nay ở Luân Đôn. Chính hắn đêm nay sẽ đi săn tớ, và hắn đâu ngờ rằng, chúng ta lại săn hắn.
Kế hoạch của Holmes dần dần làm cho tôi sáng tỏ. Từ chỗ ẩn nấp thuận tiện này, chúng tôi có khả năng theo dõi tất cả những ai có ý đồ theo dõi chúng tôi. Dáng dấp bóng người thấp thoáng bên cửa sổ là một miếng mồi, còn chúng tôi là những tay thợ săn.
Vai kề vai, chúng tôi đứng lặng im trong bóng tối chăm chú ngắm nhìn những bóng người lượn qua lượn lại. Đêm ấy, thời tiết rất xấu, trời trở lạnh tê tái, gió thổi dọc theo dãy phố một cách dữ dội, gay gắt. Người đi lại ngoài đường khá đông, hầu như ai bước đi cũng rất vội, họ đều cố kéo cơm áo hoặc mũ che kín mũi cho đỡ lạnh.
Phần 4:
Tôi có cảm giác một người nào đó cứ đi qua đi lại sát ngôi nhà, đặc biệt có hai người làm cho tôi nghi ngờ hơn cả. Họ làm như thể tránh gió, nên bước vào một cánh cổng cách chúng tôi không xa. Tôi định bụng sẽ báo cho Holmes biết, nhưng anh trả lời tôi với một giọng bực bội rồi tiếp tục theo dõi động tĩnh ngoài đường. Thỉnh thoảng anh co chân cho đỡ mỏi hoặc lấy ngón tay gõ gõ vào bức tường. Tôi thấy anh có vẻ không vui, hình như sự việc xảy ra không hoàn toàn đúng như kế hoạch. Trời chuyển về khuya, đường phố tĩnh mịch vắng vẻ Holmes đi lại trong phòng, anh bồn chồn lo lắng, hồi hộp. Vừa máy miệng định nói một điều gì nhưng tôi lại một lần nữa sửng sốt, kinh ngạc.
- Bức tượng cử động kìa! - Tôi thốt lên.
Rất rõ, bóng hình kia quay về phía chúng tôi, không phải bên hông, mà là quay hẳn lưng lại.
Năm tháng không làm cho tính cách của Holmes thay đổi chút nào, anh vẫn là người điềm đạm, nhẫn nại, luôn thể hiện trí thông minh, đầu óc suy luận sắc sảo, nhìn nhận rất tinh tế.
- Phải làm như thật, - Anh đáp. - chẳng lẽ tớ lại là một kẻ ngu ngốc không có bộ não hay sao? Đặt trong phòng một hình nộm bất động không xua được ruồi thì quả là rất lộ liễu, phải chăng nhờ nó mà có thể đánh lừa được những kẻ ranh ma nhất Châu Âu ư? Chúng mình thu lu trong xó xỉnh này đã hai giờ đồng hồ, trong lúc đó bà Hudson đã thay đổi vị trí bức tượng tám lần. Cứ mười lăm phút một lần, với điều kiện là bà sẽ không để in bóng mình cho người ngoài trông thấy.
Bỗng nhiên anh im lặng, nín thở. Trong cảnh nhá nhem, tôi trông thấy anh rướn cổ lên trong tư thế chờ đợi rất căng thẳng.
Đường phố đã hoàn toàn vắng ngắt. Có lẽ, hai tên đứng nấp trong hẻm vẫn còn. Nhưng tôi không tài nào nhìn thấy chúng. Xung quanh tôi một màn đen và sự im ắng bao trùm.
Trong bóng đêm, màu vàng của cánh cửa sổ được chiếu sáng rực cùng với bóng của hình người ngồi giữa phòng, càng nổi bật rõ nét. Không gian im ắng đáng sợ, tôi nghe thấy iếng thở khò khè của Sherlock, chắc anh rất hồi hộp cho kế hoạch của mình. Bỗng nhiên anh ấn sâu tôi vào góc căn phòng, chỗ tối nhất, và lấy tay bịt miệng tôi lại, bằng cách này anh muốn nhủ tôi phải tuyệt đối im lặng. Lúc này, tôi thấy những ngón tay của anh run run.
Chưa bao giờ tôi được chứng kiến anh bị kích động, căng thẳng đến tột độ như vậy. Đường phố vẫn tạnh ngắt, yên ả không có gì xẩy ra hết. Bỗng nhiên, tôi nghe thấy một âm thanh khe khẽ, rì rầm vang đến tai tôi, âm thanh mà đôi tai cực nhậy của Holmes đã nghe thấy trước. Tiếng động không phải phát ra từ hẻm Baker, mà chính trong ngôi nhà chúng tôi đang nấp. Cửa ra vào được mở ra, rồi đóng lại. Có tiếng bước chân rón rén vang lên khe khẽ ngoài hành lang. Người đi cố giữ cho bước chân khỏi kêu to, nhưng trong căn nhà hoang này nó vẫn dội lên những âm thanh khá to.
Holmes đứng dựa sát vào tường, tôi cũng làm theo và nắm chặt khẩu súng ngắn, căng mắt nhìn vào bóng tối. Tôi nhận ra lờ mờ bóng dáng một người đàn ông, bóng đen hơi sẫm hơn so với tấm khung hình chữ nhật của cánh cửa đã mở. Hắn đứng im ở đó chừng một phút, rồi nhảy xuống và rón rén tiến về phía trước. Mọi cử chỉ hành động của hắn đều chứa đựng một mối đe dọa. Thân hình dữ tợn của hắn đứng cách chúng tôi có ba bước.
Tôi lên gân cốt, chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công. Nhưng hắn không hề biết có chúng tôi ở đây.
Hắn đi ngang qua chỗ chúng tôi đứng, suýt nữa thì chạm phải nhau. Hắn rón rén tiến đến gần cửa sổ rất thận trọng không hề một tiếng động, hắn nhấc cánh cửa lên cao nửa foot.
Khi hắn trèo lên để mở chốt cửa, ánh sáng đèn đường hắt qua tấm kính bẩn thỉu soi rõ bộ mặt hắn, một bộ mặt dễ làm cho chúng ta kích động cao độ. Cặp mắt cháy lên một cách man rợ, nét mặt biến dạng kinh khủng.
Hắn không còn trẻ trung gì nữa, có một chiếc mũi quặp như mỏ diều hâu, trán hói khá cao, bộ râu bạc trắng rất dài. Mũ của hắn được kéo xuống tận gáy, chiếc áo bành tô hở cúc, để hở ra một khoảng trắng trước ngực - chiếc yếm hồ trắng. Bộ mặt rám nắng, đen đủi hằn đầy những vết nhăn sâu hoắm. Trong tay hắn cầm một vật đại loại như cây ba-toong, nhưng khi hắn đặt xuống nền nhà, nó phát ra một tiếng kêu “keng” của kim khí. Hắn lôi từ trong túi ra một vật gì đó khá lớn : hắn loay hoay với đồ ấy chừng vài phút; cho đến khi một âm thanh kim khí phát ra, có lẽ, hắn kéo một chiếc lò xo hay cái then chốt.
Ngồi bằng đầu gối, hắn tiến về phía trước và với tất cả sức nặng của bản thân, hắn đè lên một đòn bẫy. Chúng tôi nghe thấy một âm thanh dài dữ dội, có phần kêu to hơn lúc trước. Hắn đứng thẳng người lên, tôi trông thấy trong tay hắn không phải cái gì xa lạ mà là khẩu súng săn, có cái báng kỳ lạ, xấu xí. Hắn mở khóa, kéo cò bấm và đặt một vật gì vào bên trong xong cài chốt lại. Hắn qùy xuống, đặt đầu nòng súng lên bệ cửa sổ, bộ râu dài của hắn chấm sát tận nòng, cặp mắt hắn long lanh dữ tợn. Hắn đặt súng tỳ vào vai và thở ra khoan khoái : tấm bia đang đứng trước mặt hắn - tấm bia kỳ lạ, bóng dáng đen đen soi rõ trên nền sáng. Hắn lưỡng lự một lát sau đó đặt tay lên cò súng, một tiếng “vù” là lạ phát ra, tiếp theo là tiếng kính vỡ loảng xoảng.
Ngay lúc đó Holmes bỗng nhảy bổ ra như một con hổ, anh chộp ngay lưng kẻ vừa bắn và quật hắn ta úp mặt xuống sàn.
Nhưng một giây sau, kẻ bị quật ngã đã đứng dậy được, với một sức mạnh không ngờ hắn tóm lấy cổ Holmes. Tức thì, tôi dùng báng súng nện mạnh vào đầu kẻ hành hung, hắn ngã xuống, tôi nằm đè lên. Lúc đó Holmes thổi còi. Ngoài đường một tốp người đã chạy tới, có hai cảnh sát quân phục đầy đủ, cùng một vị thám tử, từ cổng chính bước vào phòng.
- Có phải Lestrade đó không? - Holmes hỏi.
- Tôi đây, thưa ngài Holmes. Tôi định tự mình sẽ giải quyết việc này. Rất vui mừng lại được gặp ngài ở Luân Đôn.
- Sự giúp đỡ nhỏ mọn, không đáng kể của chúng tôi chắc không cản trở các ngài? Trong một năm có ba vụ án mạng không được phát hiện, cũng hơi nhiều đấy Lestrade ạ. Nhưng câu chuyện bí mật ở Molesey, ngài tiến hành không đến nỗi nào.... nghĩa là ngài giải quyết vụ ấy không đến nỗi tồi.
Chúng tôi đứng lên. Còn tên hung thủ thì thở hổn hển trong cánh tay của hai viên cảnh sát lực lưỡng.
Một đám đông những kẻ rỗi việc bắt đầu tụ tập ngoài đường. Holmes tiến đến bên cửa sổ, đóng lại. Lestrade châm hai ngọn nến vừa mang tới, còn các vị cảnh sát thì bật công tắc đèn pin bỏ túi. Tôi có dịp quan sát kẻ sát nhân kỹ càng hơn.
Hắn có bộ mặt rất đàn ông, trông rất đáng ghét. Vầng trán như một triết gia, cái cằm như của một người thích nói những lời ngọt ngào, êm dịu. Những cái đó, chứng tỏ con người hắn cũng có một khả năng làm những điều tốt lành, cũng như làm những điều ác độc. Nhưng cặp mắt dữ dằn màu ánh thép, bộ lông mi rậm cái nhìn trâng tráo, chiếc mũi quặp ác thú và những nếp hằn sâu trên trán đã tự tố cáo lên bản chất của hắn, những dấu hiệu báo trước cho xã hội biết những dã tâm nguy hiểm. Hắn không thèm nhìn lên bất cứ người nào trong số chúng tôi. Cái nhìn của hắn như cắm chặt vào khuôn mặt của Sherlock Holmes, hắn nhìn với một sự kinh ngạc và hằn học.
- Con quỷ! - Hắn lẩm bẩm. - Một con quỷ ranh ma, xảo quyệt!
- Đại tá, - Holmes nói, và sửa lại cổ áo bị nhàu, - Những người bạn chí cốt lại gặp nhau, như lời người xưa thường nói. Tôi chưa có dịp gặp lại ngài sau lần ngài đã theo dõi tôi một cách trắng trợn. Ngài hẳn còn nhớ, khi tôi nằm ở khe hở của núi đá tại thác nước Reichenbach.
Ngài đại tá có lẽ đang bị thôi miên, hắn không thể nào bứt cái nhìn ra khỏi Sherlock Holmes.
- Con quỷ, con quỷ có thật! - Hắn cứ lặp đi, lặp lại câu nói đó.
Tôi chưa kịp giới thiệu cho các vị - Holmes lên tiếng. - Các vị biết không, đây là ngài đại tá Sebastian Moran, một cựu sĩ quan trong đội quân của hoàng gia đóng ở Ấn Độ, và là một thợ săn thú dữ tài ba, có một thời nổi tiếng oanh liệt ở những vùng thuộc địa Đông phương. Tôi nghĩ, tôi không nhầm ngài đại tá ạ, có phải về số hổ báo săn bắn được, hiện nay ngài đang giữ kỷ lục phải không?
Tên tù binh thật vất vả lắm mới kìm được cơn phẫn nộ, hắn tiếp tục nín thinh. Chính hắn cũng đã giống một con hổ rồi, cặp mắt của hắn long lên dữ tợn, ria mép cũng xù lên.
- Tôi rất ngạc nhiên vì sự đánh lừa quá ư đơn giản đã đưa một thợ săn dày dạn kinh nghiệm vào tròng, - Holmes tiếp tục, - Đối với ngài điều này đâu còn là mới mẻ. Chẳng lẽ, chưa bao giờ ngài buộc một con dê dưới một gốc cây, còn ngài thì leo lên cây rậm rạp với khẩu súng săn hoặc carbin trong tay, để chờ con cọp dẫn xác đến con mồi hay sao? Ngôi nhà bỏ trống này là cái cây của tôi, còn ngài là con hổ của tôi. Tôi nghĩ rằng, đôi khi ngài cũng phải dùng những phát đạn dự trữ trong trường hợp, cùng một lúc có nhiều con hổ xuất hiện, hoặc hãn hữu cũng có đôi lúc ngài bắn trượt chứ. Mấy vị này, - Anh nói và chỉ vào chúng tôi - là những phát súng dự phòng của tôi. Sự so sánh của tôi chính xác đấy chứ?
Bất thình lình, đại tá Moran tức tối chồm lên phía trước, nhưng hai người cảnh sát đã kịp giữ hắn lại. Bộ mật của hắn thể hiện nỗi hằn học, nhìn vào đó chúng tôi thấy kinh khủng, gớm ghiếc.
- Thú thật, ngài đã mang đến cho tôi một món quà nho nhỏ, - Holmes tiếp tục công kích. - Tôi không ngờ, chính ngài cũng muốn sử dụng ngôi nhà bỏ trống này, quả thật thuận lợi. Tôi nghĩ thế nào ngài cũng hành động từ ngoài phố, ở đấy có anh bạn Lestrade của tôi cùng những thủ hạ của anh ta đã đợi chờ ngài sẵn. Trừ chi tiết ấy ra, còn mọi việc đều tiến triển đúng như tôi dự định.
Đại tá Moran quay sang phía Lestrade.
- Không kể những cái ấy, ngài có đủ chứng cớ, cơ sở để bắt tôi, hay là ngài không có đủ cơ sở? - Hắn ta nói, - Tôi không thể nào chịu đựng nổi những lời lẽ nhạo báng của con người kia. Nếu tôi ở trong tay luật pháp, thì cứ để pháp luật giải quyết.
- Điều này công bằng thôi, - Lestrade nhận xét. trước khi chúng tôi ra về, ngài còn muốn nói điều gì nữa không, thưa ngài Holmes.
Holmes nhặt khẩu súng hơi đồ sộ lên, và quan sát cơ cấu của khẩu súng.
- Khẩu súng có một không hai này mới tuyệt làm sao - Anh thốt lên. - Bắn không nghe tiếng kêu, nhưng có sức công phá và hủy diệt rất lớn. Tôi biết một nhà cơ khí người Đức, tên là Von Herder. Ông ta đã thiết kế khẩu súng này theo đơn đặt hàng của ngài giáo sư Moriarty. Từ lâu tôi đã nghe tiếng tăm khẩu súng, nhưng chưa bao giờ có vinh dự được cầm nó trên tay. Tôi đặc biệt lưu ý ngài về khẩu súng này, và cả cách nạp đạn cho nó nữa, thưa ngài Lestrade.
- Ngài không phải bận tâm, thưa ngài Holmes, chúng ta còn dịp quay lại vấn đề này. - Khi tất cả mọi người tiến sát đến cánh cửa ra vào, Lestrade đáp - Đó là tất cả những gì ngài muốn nói?
- Vâng, tất cả, nhưng ngài định khép tên này vào tội gì?
- Còn tội gì nữa, thưa ngài? Chẳng hạn như tội mưu sát ngài Sherlock Holmes.
- Ôi! Không phải như vậy đâu! Tôi không muốn dính lứu vào vụ này. Chỉ có ngài mới được lãnh trọng trách làm công việc bắt bớ tuyệt vời này, ngài đã tốn công sức đề tiến hành. Xin chúc mừng ngài Lestrade! Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khả năng hiếm có và lòng quả cảm, đầy mưu lược, cuối cùng ngài đã bắt được kẻ kia.
- Người kia là ai vậy? Hắn ta là ai, thưa ngài Holmes.
- Người mà, cả ngành cảnh sát đã hoài công tìm kiếm, truy nã. Đại tá Sebastian Moran, kẻ mà vào đêm 30 tháng trước đã bắn chết ngài Ronald Adair bằng khẩu súng hơi, bắn qua cửa sổ tầng hai ngôi nhà 427, phố Park Lane. Chúng ta cần lời buộc tội như vậy.... Còn bây giờ, Watson, nếu cậu không sợ gió lùa từ cánh cửa sổ bị vỡ kính, thì chúng ta sẽ cùng nhau ngồi trong phòng tớ, và hút với nhau điếu thuốc. Tớ hy vọng sẽ làm cho cậu khuây khỏa phần nào.
Sự quan tâm thường xuyên của anh Mycroft Holmes và sự chăm sóc tận tụy của bà Hudson, căn hộ của chúng tôi vẫn như xưa, không hề có gì thay đổi. Thú thật, khi bước vào, tôi lấy làm ngạc nhiên vì sự tươm tất hiếm có, mọi thứ thân thuộc quen biết đều nằm ở vị trí cũ. Ớ góc dành riêng cho những thí nghiệm hóa học, một chiếc tủ bằng gỗ thông vẫn như xưa, vẫn những vết ố do a-xít mạnh. Trên giá những chồng sách tra cứu, những mẩu tin cắt từ các tờ báo vẫn được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Ôi, tôi chỉ muốn ném hết những thứ chết tiệt kia vào lửa cho rảnh! Khi tôi nhìn hết một lượt, thì những bản biểu đồ, hộp đựng đàn viôlông, chiếc hộp Ba Tư đựng thuốc lá lại hiện lên trước mắt tôi. Hai người có mặt trong phòng. Một là bà Hudson chạy vồn vã đón mừng chúng tôi với nụ cười lấp láy trên môi. Người thứ hai, người mặc đồ màu cũ kỹ, đã đóng một vai rất quan trọng trong những sự kiện đêm hôm qua. Đó là bức tượng bằng sáp của bạn tôi, đã được tô màu, được tạc thật khéo léo do một bàn tay điêu luyện nhào nặn, trông giống như thật.
Bức tượng được đặt trên một chiếc ghế đẩu không cao, được khoác chiếc áo bành tô cũ của Sherlock Holmes trông rõ khéo, từ ngoài đường nhìn vào thì khó ai tưởng đó là tượng.
- Bà đã thực hiện tất cả chỉ dẫn của tôi một cách tuyệt vời. - Holmes nói.
- Tôi phải bò bằng đầu gối để tiến sát bức tượng, như ngài chỉ bảo thưa ngài.
- Tốt, bà đã làm việc đó không thể chê vào đâu được. Bà có thấy viên đạn đâm vào đâu không?
- Có thưa ngài. Tôi sợ viên đạn làm hỏng mất bức tượng đẹp đẽ của ngài. Nó xuyên qua đầu và cắm vào tường. Tôi nhặt nó lên từ tấm thảm. Nó đây.
Holmes chìa cho tôi xem đầu đạn.
- Đầu đạn súng lục mềm mại, Watson, cậu hãy nhìn xem.
Thật là cự phách! Có ai dám nghĩ viên đạn này lại được bắn ra từ khẩu súng hơi? Rất tuyệt, bà Hudson, xin cảm ơn bà vì sự giúp đỡ.... Còn bây giờ, Watson, cậu hãy ngồi vào vị trí cũ của mình như thuở nào. Tớ muốn tâm sự với cậu đôi điều.
Anh cởi chiếc áo khoác ra, rồi lấy chiếc áo choàng trên bức tượng khoác vào. Trước mặt tôi lại xuất hiện một Sherlock Holmes ngày xưa.
- Thần kinh của người thợ săn già vẫn còn vững, cặp mắt vẫn còn tinh. - Anh nói và cười, vừa nhìn cái sọ của bức tượng bằng sáp bị bắn thủng.- Bắn trúng chính giữa gáy và làm chảy não. Đúng là một tay thiện xạ của rừng nhiệt đới ở Ấn Độ. Tớ nghĩ rằng, ở Luân Đôn này địch thủ của hắn không phải là nhiều. Trước kia cậu có bao giờ nghe tên hắn hay chưa?
- Không, tớ chưa từng nghe.
- Ừ nhỉ, thế mà tớ quên! Cách đây không lâu, cậu đã thú nhận, thậm chí cậu còn chưa nghe đến tên giáo sư Moriarty, đó là một bộ óc của thế kỷ chúng ta. May quá, cậu lấy giúp cặp đựng tài liệu theo đòi tiều sử....
Sau khi ngồi lại ngay ngắn, thả người thoải mái trong chiếc ghế bành và khoan khoái thở ra từng đụn khói thuốc, Holmes lơ đễnh lật từng trang giấy.
- Vần chữ “M”, tớ có một bộ sưu tầm khá hoàn chỉnh, - Anh nói. - Chỉ một cái tên Moriarty, cũng đủ làm cho vần “M” trở nên nổi tiếng. Còn cái tên Morgan là một tên ghê tởm. Tên Merridew, có một trí nhớ khó ai sánh kịp. Tên Mathews - chính là tên làm gãy chiếc răng nanh bên trái của tớ ở phòng đợi nhà ga Charing Cross. Còn đây là anh bạn của chúng mình ngày hôm nay.
Anh đưa cho tôi tập tài liệu, tôi đọc :
“Moran Sebastian, đại tá nghỉ hưu. Từng phục vụ trong trung đoàn công biệt số một ở Bangalore. Sinh năm 1840 tại Luân Đôn. Con trai của ngài Augutus Moran - người được thưởng huân chương British, một thám tử cũ của Anh ở Persia, Sebastian từng tốt nghiệp trường trung học Itônx và đại học tổng hợp Oxford. Từng làm liên lạc cho các hội, tập đoàn Jowaki, Afghan, Charasiab, Sherpur và Cabul. Là tác giả của các cuốn sách “Cuộc đi săn mãnh thú ở miền Tây Himalayas” (1881); và “Ba tháng sống trong rừng nhiệt đới” (1884). Địa chỉ đường Conduit. Tham gia các câu lạc bộ Anh - Ấn: Tankerville, câu lạc bộ chơi bài Bagatelle”.
Ngoài lề được ghi bằng nét chữ của Holmes :
“Một tên nguy hiểm nhất của Luân Đôn, đứng sau Moriarty”.
- Thật kỳ lạ! - Tôi lên tiếng, và đưa trả Holmes cặp tài liệu. - Dường như cuộc đời của hắn là bước đường của một người lính trung thành.
- Cậu nói đúng. - Holmes đáp.
- Trước kia hắn không hề làm việc gì xấu xa. Hắn là con người có bộ thần kinh bằng thép, ở Ấn Độ đến bây giờ vẫn lưu truyền một huyền thoại kể rằng: Anh ta đã bò trong lòng một con sông cạn, đã cứu thoát một người khỏi những móng vuốt của một con hổ bị thương. Có những cây gỗ, lúc đầu mọc, phát triển bình thường, rồi đến một độ cao xác định nào đó, bỗng nhiên phát hiện trong quá trình phát triển của mình một sự biến đổi kỳ quặc so với mức bình thường. Đối với con người cũng xảy ra điều tương tự. Theo thuyết của tớ, mỗi cá nhân trong quá trình phát triển, đều lặp lại lịch sử phát triển của tất cả tổ tiên. Tớ cho rằng, mỗi một biến động bất ngờ về phía lương thiện hay độc ác đều phụ thuộc vào điều kiện khách quan tác động rất mạnh; muốn biết được quá khứ của một người, cần phải lục xem trong gia phả người ấy; và suy luận rộng ra, tiểu sử của một con người, đó như là một mẩu nhỏ trong tiểu phẩm cả tiểu sử của toàn bộ gia đình.
- Thôi được, nhưng tớ thấy cái thuyết lý của cậu hơi viễn vong.
- Tớ sẽ chấm dứt câu chuyện. Có những nguyên nhân này, hoặc nguyên nhân khác, đã đẩy đại tá Moran đi theo con đường ngu xuẩn. Khi còn ở Ấn Độ có một kẻ đê tiện đã dựng lên câu chuyện nào đó gây căng thẳng cho ông ta, nhằm chống ông ta một cách kịch liệt, đến nỗi ông ta không thể nào ở lại được nữa.
Ông ta xin về hưu, trở lại đất Luân Đôn, và tại đây ông ta đã bước vào con đường tội lỗi. Giáo sư Moriarty đã phát hiện ra ông ta, trong một thời gian dài ông ta là cánh tay phải của Moriarty. Thằng giáo sư này cung cấp tiền nong cho ngài đại tá tiêu xài một cách phóng khoáng. Nhưng rất hãn hữu mới cần tới sự giúp đỡ của hắn. Chỉ trong hai hoặc ba trường hợp khó khăn mà những tên tội phạm bình thường không thể đảm đương nổi. Có lẽ, cậu còn nhớ cái chết kỳ quặc của bà Stewart ở Lauder năm 1887? Không nhớ à? Tớ chắc chắn chuyện này không thể không có tay Moran nhúng vào, mặc dù không có chứng cớ để buộc tội hắn ta. Ngài đại tá có nghệ thuật giấu mình một cách tài tình.

Khi cả băng của Moriarty bị tóm hết, thì chỉ riêng hắn là không làm sao lôi cổ ra toà được.
Watson, cậu còn nhớ buổi tối, khi tớ đến chỗ cậu, tớ phải kéo rèm cẩn thận không? Tớ sợ phát súng bắn ra từ khẩu súng hơi đặc biệt. Lúc bấy giờ cậu cho tớ là kỳ quặc, nhưng tớ biết mình cần phải làm gì. Tớ đã nghe nói về khẩu súng đặc biệt kia rồi. Hơn nữa, tớ biết khẩu súng đang nằm trong tay một nhà thiện xạ. Khi tớ với cậu đi sang Thụy Điển, Moran và Moriarty đã đuổi theo chúng ta, và chính hắn đã làm cho tớ bàng hoàng trong mấy phút ở khe lở của thác Reichenbach.
Cậu biết không, khi còn ở bên Pháp tớ vẫn thường xuyên theo dõi tin tức trên báo chí Anh, tớ hy vọng sẽ tìm ra đầu mối nào đó để bắt hắn ta phải ngồi vào lồng sắt. Khi hắn còn nhởn nhơ dạo chơi trên đất Luân Đôn thì tớ chưa thể tính chuyện về được. Cả ngày lẫn đêm, mối đe dọa kia cứ ám ảnh tớ, dứt khoát hắn sẽ tìm mọi cách để giết tớ. Tớ phải làm gì? Chẳng lẽ gặp trực tiếp và bắn chết hắn? Tớ không thể làm như vậy được. Vì lúc ấy, chính tớ sẽ bị ngồi vào ghế bị cáo. Trực tiếp đến báo với tòa? Không ích lợi gì, vì tòa sẽ không đủ chứng cớ để xét xử, chẳng lẽ xử hắn bằng những vấn đề nghi vấn? Tớ bất lực hoàn toàn, không có cách nào để giải thoát được. Tớ đã trải qua một quá trình kiên trì không mệt mỏi theo dõi hắn bằng tin tức các vụ án, bởi tớ tin như đinh đóng cột rằng dù sớm hay muộn tớ cũng phanh phui ra hắn.
Vụ ám sát đầy bí ẩn anh chàng Ronald Adair đã dẫn đến sự chín muồi của những ngày kiên trì mong đợi, giờ khởi hành đã đến. Không biết tớ có dám khẳng định Moran đã bắn chết chàng Ronald hay không? Hắn ta đã cùng chơi bài với chàng thanh niên, và bám gót anh ta từ câu lạc bộ về nhà, sau đó bắn chết chàng trai qua cửa sổ đã mở. Đúng, không còn nghi ngờ gì nữa. Chỉ một đầu đạn, cũng đủ chứng cớ để ngài đại tá Moran chui vào giá treo cổ. Ngay lập tức tớ quay về Luân Đôn. Tên cận vệ của Moran đã phát hiện ra tớ, hắn kịp thời thông báo cho Moran. Thằng này thế nào cũng biết mối liên hệ giữa vụ án mạng và sự quay về của tớ, hắn sẽ lo lắng mất ăn mất ngủ. Tớ tin, hắn sẽ khử tớ ngay lập tức, không chậm trễ. Chắc chắn hắn sẽ dùng thứ vũ khí giết người độc đáo - khẩu súng hơi. Tớ phải chuẩn bị đón hắn, thế là bức tượng bằng sáp được ra đời không chê vào đâu được. Tớ báo trước cho bên cảnh sát, để họ giúp một tay (với con mắt tinh ranh cậu đã phát hiện ra hai viên cảnh sát thấp thoáng chỗ cổng ra vào). Tớ chọn địa điểm rất thuận tiện cho việc quan sát, nhưng thú thật tớ không ngờ đối thủ của tớ cũng chọn đúng vị trì ấy để tấn công. Tất cả chỉ có thế, Watson. Chắc cậu đã hiểu mọi chuyện.
- Chưa hết, - Tôi nói. - cậu chưa giải thích cho tớ chuyện vì sao ngài đại tá Moran lại bắt buộc phải thủ tiêu anh chàng Adair?
- Anh bạn của tôi ơi, chúng ta lại rơi vào lĩnh vực đoán mò rồi, trong lĩnh vực này chỉ có logic không thì quả là quá ít ỏi. Mỗi người có thể xây dựng riêng cho mình một giả thuyết, dựa trên cơ sở những dữ kiện đang tồn tại. Giả thuyết của cậu cũng có khả năng trùng với giả thuyết của tớ.
- Có nghĩa là, cậu đã nghĩ ra giả thuyết?
- Theo tớ nghĩ, giải thích những dữ kiện đã có không khó.
Qua điều tra, người ta đã xác lập là trước lúc xảy ra vụ án không lâu, đại tá Moran và anh chàng Adair đã cùng ở một hội chơi bài và ăn được một món tiền khá lớn. Nhưng Moran đã chơi không trung thực. Từ lâu, tớ được biết hắn là một tay cờ bạc gian lận. Có lẽ, trong ngày xảy ra vụ án, Adair đã cảnh cáo Moran vì những trò gian lận. Anh chàng Adair đã giáp mặt với đại tá, chắc có dọa sẽ tố cáo hắn, nếu như hắn không tự nguyện rời bỏ câu lạc bộ và từ nay về sau không được chơi cái trò ma cô ma cậu nữa. Một chàng trai miệng còn hơi sữa như Adair, lại dám công khai dọa tố cáo buộc tội một con người đáng tuổi cha chú của anh ta, hơn nữa hắn còn chiếm một địa vị sang trọng trong xã hội! Có lẽ, đúng hơn, anh ta đã nói riêng với Moran, không có người làm chứng. Nhưng với Moran, một con người chuyên sống bằng bạc bịp, nếu bị khai trừ ra khỏi câu lạc bộ thì khác nào bị cắt đường sinh sống? Đó là nguyên nhân để hắn giết Adair, và giết vào chính thời điểm anh chàng trai trẻ chưa kịp sử dụng kết quả cuộc chơi không trung thực; chưa kịp tính phần thắng của anh ta là bao nhiêu và anh ta cần phải trả lại những người thua cuộc là bao nhiêu. Anh ta đã khóa chặt cửa lại để không muốn mẹ và em gái thấy anh ta đang tính toán và thắc mắc về những cái tên ghi trong tờ giấy và những chồng tiền đặt trên bàn. Sao, theo cậu, lời giải thích của tớ có phù hợp hay không?
- Tớ cho rằng, cậu đã nói trúng tim đen hắn.
- Cuộc điều tra xét hỏi sẽ chứng minh cho lời giải thích của tớ đúng hay sai. Từ đây đại tá Moran không còn là mối lo ngại cho chúng ta, và khẩu súng hơi kỳ diệu của Von Herder sẽ trang điểm cho bộ sưu tập của Viện bảo tàng Scotland Yard. Từ nay, không còn ai quấy rầy ngài Sherlock Holmes tham gia vào công việc giải quyết những câu chuyện bí ẩn, nhưng đầy lý thú.
Cuộc sống phức tạp ở Luân Đôn trở nên phong phú và bình yên, êm ả hơn.
HẾT

Kẻ dị dạng

phần 1:

Một buổi tối, tôi ngủ gà ngủ gật trên một cuốn tiểu thuyết. Nhà tôi đã lên trên lầu. Tiếng then cài cánh cửa ra vào báo cho tôi biết là những người giúp việc đã lui về. Tôi còn chờ thêm chút nữa rồi mới đứng lên khỏi ghế. Đúng vào lúc đó, tiếng chuông vang lên.


Tôi nhìn đồng hồ: 11giờ 45. Muộn thế này thì chỉ có thể là khách, một ca bệnh sẽ làm tôi phải thức thâu đêm. Hơi cáu kỉnh, tôi ra phòng ngoài dể mở cửa: Sherlock Holmes

“A Watson!” Anh reo lên. “Tôi đến thăm quá muộn”.

- Có gì đâu. Vào đi chứ!

- Anh tỏ vẻ ngạc nhiên... Anh có thể cho tôi ngủ nhờ đêm nay không?

- Sẵn sàng. Anh ăn tối?

- Không, xin cảm ơn, tôi đã dùng rồi, ở ga Waterloo.

Tôi đưa cái túi đựng thuốc cho anh. Anh im lặng hút. Tôi biết rõ là chỉ có một vụ quan trọng mới có thể đưa anh tới dây vào một giờ muộn như vậy. Vậy là tôi kiên nhẫn chờ anh vào chuyện.

- Ngày mai anh tới Aldershot được không?

- Tôi nhờ một bác sĩ bạn thay tôi chăm sóc các bệnh nhân.

- Tốt lắm! Tôi muốn đáp chuyến tàu mười một giờ mười ở ga Waterloo.

- Rất thuận tiện cho tôi.

- Vậy thì, nếu anh chưa buồn ngủ, tôi xin tóm tắt những sự việc và những gì cần làm.

- Trước khi anh tới, tôi đã ngủ gà ngủ gật nhưng bây giờ thì hoàn toàn tỉnh táo.

- Đó là vụ ám sát đại tá Barclay thuộc sư đoàn Royal Mallows ở Aldershot. Sự việc xảy ra cách đây hai ngày.

“Royal Mallows là một trong những trung đoàn Ái Nhĩ Lan nổi tiếng trong quân đội Anh. Tối thứ hai vừa qua, trung đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của đại tác James Barclay, một lính già can đảm đã được lên lon nhờ vào lòng dũng cảm. Barclay lấy vợ khi ông còn là trung sĩ. Ông kết hôn với cô Nancy, con gái trung sĩ trưởng đội trong cùng đơn vị. Vợ chồng Barclay đã thích nghi mau chóng với địa vị mới của họ. Bà vợ sống ăn ý với các bà vợ sĩ quan cũng như chồng bà đối với các bạn đồng đội. Tôi xin nói thêm bà là một phụ nữ rất đẹp và cho mãi đến bây giờ, sau ba chục năm lập gia đình, sự xuất hiện của bà còn gây ấn tượng mạnh.

Thoạt nhìn, cặp vợ chồng này đã được hưởng một hạnh phúc hiền hòa. Tôi đã đến hỏi ông thiếu tá Murphy, thì ông này đoán chắc với tôi là ông chẳng bao giờ thấy có sự bất hòa trong gia đình đó. Tôi hỏi ông cặn kẽ hơn. Thiếu tá nói rằng sự gắn bó của ông Barclay đối với vợ thì lớn mạnh hơn là sự gắn bó của bà Barclay đối với chồng. Nếu phải xa vợ trong một ngày, ông rất buồn phiền; nhưng bà vợ thì không chứng tỏ một sự mãnh liệt đến thế. Dẫu sao, trong trung đoàn, họ vẫn được coi như là một cặp vợ chồng lý tưởng.

Dường như là đại tác Barclay có một tính khí khác thường. Bình thường, ông là một quân nhân già, vui tính, hăng hái. Nhưng đôi khi ông cũng hung bạo và thù hằn. Tuy vậy, bà vợ không bao giờ chịu đựng những tật xấu đó. Có một điều khác là: theo định kỳ, một tâm trạng gì đó như trầm uất lại giáng xuống ông. Viên thiếu tá mà tôi hỏi chuyện đã ghi nhận điều đó và họ đã lấy làm ngạc nhiên. Nó theo ông thiếu tá thì nụ cười biến mất trên mặt ông Barclay tựa hồ như có một bàn tay vô hình đã xua đuổi nó. Và các hiện tượng đó xảy ra trong những buồi họp mặt xã giao cũng như tại bàn ăn của sĩ quan ở đơn vị. Có khi trong nhiều ngày liên tục, ông như bị giày vò bởi sự ưu sầu đen tối nhất.

Sư đoàn Royal Mallows hạ trại tại Andershot từ vài năm qua. Các sĩ quan lập gia đình thì ngủ ngoài doanh trại. Ông đại tá đã chọn một biệt thự, cách trại Bắc chưa tới bốn trăm mét, nhưng mặt nhà phía Tây cách đường cái hai mươi lăm mét. Gia nhân gồm có bác xà ích và hai người hầu gái. Vợ chồng Barclay không con, rất ít khi tiếp khách trong nhà. Tóm lại, có năm người sống trong biệt thự đó.

Bà Barclay là một tín đồ Thiên Chúa Giáo. Bà rất bận rộn với CLB Thánh Georges và hết lòng với việc lo cấp quần áo cho những người nghèo trong vùng. Tối hôm đó, một buổi họp được khai mạc vào lúc 8 giờ. Bà vội vàng ăn bữa tối để kịp đi họp. Khi rời khỏi nhà, bà báo cho chồng biết là bà sẽ không vắng mặt lâu. Theo lời chứng của người xà ích, bà đón một cô láng giềng còn trẻ Morrison, rồi cả hai cùng đi. Buổi họp kéo dài bốn mươi phút. Tới chín giờ mười lăm phút, bà cho ngừng xe để cô gái xuống trước cửa và về nhà cô.

Ngôi biệt thự của đại tá có một căn phòng được dùng làm phòng khách nhỏ, có cửa hướng ra ngoài đường. Từ bên ngoài, muốn vào phòng đó phải băng qua một bãi cỏ tròn, đường kính ba mươi mét. Nó được ngăn cách với con đường băng một bức tường thấp, phía trên có gắn lưới sắt, bà đại tá đã vào nhà qua ngả đó. Bà thắp đèn và gọi chuông rồi sai cô hầu phòng đem tới một tách trà: đó là điều trái ngược với những thói quen của bà. Ông đại tá ở lại trong phòng ăn; biết vợ mình đã về nhà, ông đi sang phòng khách nhỏ để gặp bà. Bác xà ích trông thấy ông đi ngang qua gian tiền sảnh rồi vào trong đó.

Mười phút sau khi được lệnh, cô hầu phòng đem trà lên cho bà chủ, cô ngạc nhiên nghe ông chủ và bà chủ cãi nhau kịch liệt. Cô gõ cửa, không có tiếng trả lời. Cô muốn mở cửa nhưng cánh cửa đã bị khóa từ bên trong. Cô hối hả chạy xuống bếp, báo động với bà bếp. Thế rồi hai người đàn bà cùng bác đánh xe vào trong gian tiền sảnh, gióng tai lên mà nghe cuộc cãi lộn. Cả ba người đều nhất trí rằng họ chỉ nghe thấy có hai giọng nói: giọng của ông đại tá và của bà vợ. Những câu của ông Barclay thì thô bạo, nói với giọng thất thanh, khiến người nghe không hiểu được. Còn những câu nói của bà Barclay thì lại còn ác liệt hơn nữa :

Ba người giúp việc nghe rõ ràng: “Anh là một thằng hèn!” Bà không ngớt lặp đi lặp lại câu đó. Và bà còn nói: “Biết làm sao bây giờ? Hãy trả lại cho tôi được tự do! Không bao giờ ta còn có thể thở chung một bầu không khí với mi! Đồ hèn!” Bất chợt người đàn ông hét lên một tiếng khủng khiếp rồi tiếp đó là tiếng đổ ngã, tiếng thét xé tai của bà chủ. Bác đánh xe lao mình vào cánh cửa, cố sức bật nó ra. Bên trong những tiếng thét nối tiếp nhau.

Người đánh xe không phá được cánh cửa và hai người tớ gái lại quá lo sợ nên chẳng giúp được gì. Một ý kiến chợt lóe lên trong trí bác. Bác bỏ ra ngoài, đi vòng ngôi nhà, ngang qua bãi cỏ trên đó có mở ra cánh cửa sổ sát đất. Cửa mở rộng, bác vào trong phòng khách nhỏ. Bà chủ đã ngưng kêu gào. Bà nằm im trên đi-văng; ông đại tá thì hai chân vắt ngang trên cái tay dựa của ghế bành, đầu gục xuống đất; ông chết trong một vũng máu.

Người đánh xe định mở cửa ra. Nhưng chìa khóa không có trong ổ khóa và cũng không thấy để ở đâu trong căn phòng. Vậy là bác lại nhảy qua cửa sổ sát đất, đi mời một cảnh sát và một y sĩ, rồi trở lại. Bà Barclay được chuyển sang phòng riêng của bà, vẫn còn hôn mê. Thi hài ông đại tá được đặt nằm dài trên ghế trường kỷ. Và người ta tiến hành cuộc điều tra.

Vết thương trên người nạn nhân là một vết đứt dài bảy centimét ở phía sau đầu, được gây ra bởi một loại hung khí có mũi nhọn.

Trên sàn nhà, gần bên xác chết, người ta tìm thấy một thứ như cây gậy ngắn bằng gỗ rắn, có một cái cán bằng xương: ông đại tá có một bộ sưu tập lớn những khí giới mà ông đã đem về từ nhiều quốc gia khác nhau, tại những nơi mà ông đã tham chiến. Cảnh sát cho rằng cây gậy đó là một trong những vũ khí sưu tập của ông. Nhưng các gia nhân thì nói là trước đó, họ chưa từng trông thấy nó. Cảnh sát không khám phá ra được điều gì khác. Và đây là việc quái lạ mà chưa ai có thể giải thích được: trên người bà Barclay, trên người nạn nhân, cũng như ở bất cứ chỗ nào trong phòng khách nhỏ, người ta không thể tìm thấy cái chìa khóa. Cần phải gọi một người thợ khóa từ Aldershot tới để mở cánh cửa ra.

Trường hợp tình hình bế tắc như vậy, thiếu tá Murphy mời tôi xuống Aldershot để phụ giúp cảnh sát.

Trước khi quan sát căn phòng, tôi thẩm vấn nhiều gia nhân, nhưng không thâu đạt được gì hơn là những điều mà tôi vừa trình bày với anh. Tuy nhiên, cô hầu phòng có cung cấp cho tôi một chi tiết đáng chú ý: số là khi nghe tiếng cãi cọ, cô ta xuống bếp và đi lên cùng với hai người đầy tớ khác. Nhưng cô nói rằng lúc đầu, khi chỉ có mình cô, những giọng nói của ông bà chủ bị nghẹt đến mức cô gần như chẳng thể nào hiểu được điều gì và rằng chính là do những ngữ điệu nhiều hơn là những tiếng nói mà cô hiểu ra rằng hai người đang cãi nhau.

Tôi dồn dập đặt nhiều câu hỏi. Sau chót cô nhớ rằng có hai lần cô đã nghe thấy bà chủ thốt lên cái tên “David”. Điểm đó có tầm quan trọng cao để soi sáng cho chúng ta về những nguyên cớ gây ra cãi vã.

 phần 2:

Một điều gây ra cảm tưởng sâu đậm cho mọi người là: những nét nhăn nhỏ của ông đại tá. Theo lời chúng của họ, vẻ mặt ông có một nét biểu lộ sự khiếp sợ và sự kinh hoàng chưa từng thấy. Rõ ràng là ông biết mình sắp chết và rằng sự trông thấy cái chết đã làm cho ông kinh hoàng. Điều đó, phù hợp với lý thuyết của cảnh sát: ông đại tá hẳn đã thấy vợ mình chuẩn bị giết mình. Và cái việc cú đánh đã được giáng xuống từ đằng sau cũng không mâu thuẫn với lý thuyết đó, bởi vì ông đại tá rất có thể quay mình để né tránh cú đánh. Về phía bà Barclay, người ta không có một tin tức nào cả. Bà bị một cơn cấp phát sốt thuộc não và tạm thời bị mấy lý trí.


Cảnh sát đã cho biết là cô Morrison (người đã cùng đi với bà Barclay vào buổi tối hôm đó), quả quyết là cô không biết chút gì về nguyên cớ đã gây ra cơn tức giận của bạn mình.

Anh Watson, khi tập hợp những dữ kiện đó, tôi đã chú ý đến việc mất cái chìa khóa. Căn phòng đó đã được lục soát hết sức kỹ lưỡng mà chỉ uổng công. Do đó cái chìa khóa đã bị lấy. Nhưng cả ông đại tác lẫn bà vợ đều không lấy. Vậy thì một người thứ ba hẳn đã vào trong phòng và cái người thứ ba đó đã chỉ có thể vào được qua ngả cửa sổ sát đất.

Ngay tức khắc tôi đã tin rằng một cuộc quan sát kỹ căn phòng khách nhỏ và bãi cỏ có thể phát hiện ra một dấu vết nào đó của nhân vật bí mật kia. Tôi không bỏ sót một dấu vết nào. Và sau chót tôi đã tìm ra nhiều dấu vết.

Đã có một người ở trong căn phòng khách nhỏ. Người đó đã đi qua bãi cỏ từ ngoài đường vào. Tôi phát hiện 5 dấu chân rất rõ: một trên đường, ở nơi mà người đó đã leo lên đường, hai trên bãi cỏ, và hai trên ván sàn gần khuôn cửa sổ mà qua đó người lạ đã vào trong phòng. Chắc chắn là người đó đã chạy băng qua bãi cỏ, bởi vì dấu những ngón chân thì sâu hơn dấu những gót chân. Nhưng không phải người đó đã làm cho tôi ngạc nhiên đến bối rối. Chính là cái đi kèm với người đó.”

- Cái đi kèm?

Holmes rút từ túi áo ra mọt tờ giấy lụa lớn và mở ra một cách thận trọng trên đầu gối anh.

- Anh nghĩ sao về cái này?

Tờ giấy phủ đầy những tranh vẽ phỏng sao lại những dấu chân một con vật nhỏ. Có năm ngón chân, có móng dài. Mỗi dấu lớn bằng một cái muỗng dùng để ăn món tráng miệng.

- Đây là một con chó. - Tôi nói.

- Con chó làm sao leo lên được những tấm riđô? Tôi đã phát hiện ra những dấu vết này trên một tấm riđô.

- Thế thì một con khỉ?

- Không phải.

- Thế thì là cái gì?

- Đây không là con chó, không là con mèo, cũng chẳng là con khỉ, cũng chẳng là con vật nào mà ta biết. Tôi đã thử hình dung ra con vật đó theo các kích thước của dấu chân nó. Đây là bốn dấu chân ở một nơi mà con vật đứng bất động. Giữa chân trước và chân sau cách nhau vào khoảng 50cm. Anh hãy thêm vào đó chiều dài của cái cổ và của cái đầu thì anh sẽ có một con vật mà chiều dài thân mình chưa tới sau mươi phân, và nó có thể còn ngắn hơn thế nữa, hoặc dài hơn nếu nó có một cái đuôi. Nhưng khi con vật di chuyển, ta có chiều dài của bước chân nó. Dấu bước chân là mười centimét. Vậy là con vật này có cái thân mình dài với những chân rất ngắn. Tóm lại, đó là một thú leo được lên tấm riđô và là con thú ăn thịt.

- Làm sao mà anh suy diễn ra được điều đó?

- Bởi vì đã leo lên những tấm riđô. Ở khuôn cửa sổ có treo một lồng chim hoàng yến. Dường như mục tiêu của nó khi leo lên riđô là để bắt con chim.

- Thế thì con vật đó là gì?

- Đó là một loại chồn hạt dẻ, mõm nhọn, lớn hơn những con chồn mà tôi đã từng thấy.

- Nhưng nó dính dáng gì đến tội ác?

- Điều đó cũng lại tối tăm. Nhưng chúng ta biết là có một người đứng trên đường và rình mò cuộc cãi vã của hai vợ chồng, bởi vì những mành sáo còn chưa buông xuống và ngọn đèn còn được thắp sáng. Chúng ta cũng còn biết là người đó đã chạy băng ngang bãi cỏ, đã vào trong phòng khách nhỏ, có đem theo một con thú bí mật, và y đã đánh ông đại tá (nếu không, thì vừa lúc trông thấy y, ông đại tá đã té bật ngửa xuống thanh gác củi và bị tét đầu). Sau chót y bỏ đi với chiếc chìa khóa cửa.

- Những khám phá của anh làm cho nội vụ tối tăm hơn, thay vì làm cho nó được sáng tỏ!

- Anh có lý! Nhưng tôi đã làm cho anh thức quá khuya! Vậy ngày mai, trên đường đi Aldershot, tôi sẽ kể tiếp.

- Cảm ơn! Anh cứ kể tiếp.

- “Khi ra khỏi nhà vào hồi bảy giờ rưỡi, bà Barclay không giận hờn gì chồng; người đánh xe đã nghe bà nói chuyên với ông đại tá theo lối thân tình. Mặt khác, ngay sau khi về nhà, bà đã vào trong căn phòng và kêu người hầu pha trà; bất cứ người phụ nữ nào bị bồn chồn cũng đều làm như vậy, và ngay sau khi ông đại tá hiện ra là bùng nổ. Thế mà cô Morrison đã không rời khỏi bà trong suốt khoảng thời gian đó, cho nên mặc dù cô ta có chối cãi, nhưng chắc chắn cô có biết một cái gì đó.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là có sự dan díu giữa cô Morrison và ông lính già, và cô này hẳn đã ít nhiều thổ lộ với người vợ. Điều đó giải thích rõ về cơn tức giận khi trở về nhà cũng như những lời chối bỏ của cô gái trong cuộc. Và điều đó cũng không mâu thuẫn lắm với những từ mà 3 người giúp việc nghe được. Nhưng lại có một người tên là David, lại có sự trìu mến của ông đại tá đối với vợ, và sau chót còn có sự lẻn vào của một người đàn ông khác. Thật khó mà chọn ra đường để tiến hành điều tra. Dù sao đi nữa, tôi không thiên về việc cô Morrison có ”tình ý“ với ông đại tá, nhưng tôi lại vững tin rằng chính cô ấy là người biết rõ sự bí mật vì sao bà Barclay thình lình thay đổi tính khí.

Vậy là tôi tìm tới nhà cô Morrison, giải thích rằng tôi tin chắc là cô biết rõ những sự việc, và tôi đã báo cho cô biết là bà Bát cơ sẽ bị đặt vào ghế của bị cáo về tội ám sát chồng, nếu nội vụ được làm sáng tỏ.

Morrison là một cô gái bé nhỏ, thanh khiết, có cặp mắt e lệ và mái tóc vàng hoe. Sau khi nghe chuyện, cô ngồi suy tư trong một lúc, rồi quay sang phía tôi và với dáng vè của người đã có một quyết định dứt khoát :

- Tôi đã hứa với bạn tôi rằng tôi sẽ không nói ra bất cứ điều gì. Nhưng nay bà ấy lâm trọng bệnh và đang trên bờ của sự tù tội, vậy thì tôi không thể làm thinh. Thưa ông, tối thứ hai đó chúng tôi từ Hội quán trở về. Lúc ấy vào khoảng chín giờ kém mười lăm. Khi băng ngang qua đường Hudson - một con đường rất lớn và rất yên tĩnh - tôi thấy một người đàn ông tiến lại phía chúng tôi: lưng rất còng và đeo một cái hộp chéo qua vai, đầu cúi thấp và bước đi với hai đầu gối co gấp lại. Ông ta ngước mắt lên đúng vào lúc chúng tôi bước vào trong cái vòng ánh sáng của ngọn đèn đường. Ngay tức khắc, ông ta đứng lại và kêu lên bằng một giọng khủng khiếp: “Lạy Chúa tôi, đây đúng là Nancy!” Bà Barclay bỗng tái mét. Bà hẳn đã sụp xuống nếu con quái vật đó không đỡ lấy bà. Tôi chực kêu cứu, nhưng bà lại dịu dàng nói với người đàn ông.
Phần 3:
- Henry, em cứ tin rằng anh đã chết từ ba chục năm qua.

- Tôi đã từng bị chết! - Người kia trả lời.

Thật là kinh khủng khi nghe cái ngữ điệu trong tiếng nói của ông ta. Ông có một bộ mặt rám nắng, đáng lo ngại, với một ánh chói trong tia mắt. Tóc, râu má đã lấm tấm những sợi xám. Những nếp nhăn, những vết nhăn hằn trên mặt ông.

- Hãy đi tiếp một quãng, em gái! - Bà Barclay bảo tôi. - Chị muốn nói chuyện với ông đây. Không có gì phải lo sợ cả.

Bà nói với vẻ quả quyết, nhưng bà vẫn còn tái xanh.

Tôi đi trước một qũang để cho hai người tự do nói chuyện trong vài phút. Sau đó bà đi xuống phố. Cặp mắt bà long lanh. Tôi thấy người dàn ông khốn khổ đứng lại bên ngọn đèn đường và vung nắm đấm lên không khí, tựa hồ như ông ta bị điên vì tức giận. Bà không nói một lời nào cho tới khi chúng tôi về đến cửa nhà tôi. Lúc đó bà mới nắm lấy bàn tay tôi, yêu cầu tôi đừng nói gì với bất cứ ai về cuộc gặp gỡ này.

- Đó là một người quen cũ của chị, nay lại hiện ra.

Tôi hứa, bà ôm hôn tôi. Giờ đây vì lợi ích của bà, tất cả chuyện đó phải được biết đến.

Anh Watson, những lời khai của Morrison như là ánh sáng trong đêm. Tất cả những gì trước đây không lợi ích liên lạc với nhau thì nay lại ràng buộc nhau trong một trật tự bình thưòng. Tôi chỉ còn việc tìm gặp cái người dị dạng đó. Nếu anh ta còn ở Aldershot thì việc đó sẽ dễ dàng. Ban ngày tôi dò hỏi và buổi tối hôm đó, tôi đã biết địa chỉ. Đó là Henry Wood ở trọ trong cùng một đường phố và bà Barclay đã gặp ông tạ ông ta chỉ mới tới đó có năm ngày. Tôi đến gặp bà chủ nhà trọ và tự xưng là nhân viên mới đến thu những phiếu thuộc cảnh sát và bà ta đã bép xép :

- Cái ông Henry Wood là nhà ảo thuật và nghệ sĩ diễn rong. Ông ta đi diễn quanh các trại lính và các quán cà phê buổi chiều.

Trong cái hộp, có một con vật đã làm cho bà chủ nhà trọ phải nhiều phen sợ bở vía: đó là con thú mà ông đem ra trình diễn. Bà ấy còn cho biết đôi lúc ông nói một thứ tiếng lạ hoắc và hai đêm vừa qua ông ta cứ rên rỉ và khóc lóc ở trong phòng. Về tiền bạc, ông sòng phẳng, nhưng dẫu sao trong số tiền ứng trước thì ông đã trả cho bà một đồng florin giả.

Bà đưa cho tôi xem; đó là một đồng rupi Ấn Độ.

Giờ đây, sự thật hoàn toàn sáng tỏ rằng: hai người đàn bà chia tay nhau, người dị dạng đã đi theo họ trong khoảng cách xa, ông ta chứng kiến cảnh cãi cọ giữa hai vợ chồng, ông ta vội vã chạy vào trong phòng khách nhỏ và con thú mà ông ta mang theo đã trốn ra khỏi hộp. Nhưng ông ta là người duy nhất có thể cho chúng ta biết những gì đã xảy ra.”

- Và anh có ý định hỏi ông ta?

- Tất nhiên! Nhưng hỏi trước mặt một người chứng.

- Người chứng sẽ là tôi.

- Phải, điều đó làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng nếu ông ta từ chối, chúng ta buộc lòng đưa nọi vụ cho cảnh sát.

- Liệu ông ta còn ở đó không?

- Một trong những chú nhóc của tôi đã lảng vảng trước nhà trọ và nếu ông ta bỏ đi thì chú bé sẽ bám sát ông ta như một con đỉa. Ngày mai chúng ta sẽ gặp lại chú bé. Nhưng trong lúc chờ đợi, chính tôi là kẻ gây ra tội ác nếu tôi còn bắt anh thức lâu hơn nữa.

Chúng tôi tới nơi xảy ra tấm thảm trạng vào hồi giữa trưa rồi tới đường Hudson ngay lập tức.

- Đây là đường Hudson. A! Kìa, chú nhỏ tới báo cáo.

- Ông ta vẫn còn ở đó, thưa ông! - Một cậu bé vừa chạy tới vừa kêu lên với chúng tôi.

- Tốt! - Holmes nói khi vuốt ve má chú bé. - Lại đây, Watson. Chúng ta tới nơi rồi.

Holmes đưa vào tấm thiếp trên đó chỉ vài lời ngỏ ý muốn được gặp ông Hennry Wood về một việc quan trọng. Ngay sau đó chúng tôi được mời vào nhà. Mặc dù đang mùa nóng nực, ông ta vẫn thu mình bên ngọn lửa và căn phòng đúng là một cái lò.

Henry Wood hoàn toàn dị hình và co rúm trên một cái ghế đáp nhựa. Nhưng khuôn mặt ông hướng về chúng tôi, thuở trước hẳn là rất điển trai. Ông nhìn chúng tôi với vẻ nghi hoặc. Không nói mà cũng chẳng đứng lên, ông chỉ cho chúng tôi hai cái ghế dựa.

- Ông từ bên Ấn Độ về, tôi nghĩ thế? - Holmes hỏi với một giọng nhã nhặn. - Tôi tới về cái vụ nho nhỏ mà ông đã biết: cái chết của đại tá Barclay.

- Vụ đó thì can hệ gì tới tôi?

- Tôi cũng mong muốn sự việc như thế. Bởi vì nếu nội vụ không được làm sáng tỏ thì bà Barclay - vốn là một người bạn cũ của ông - sẽ bị gán cho tội giết người.

Người đó giật nẩy mình, kêu lên :

- Tôi không biết ông là ai, cũng chẳng hiểu vì sao ông lại biết được điều đó.

- Người ta chỉ còn chờ đợi bà tỉnh lại để bắt giam bà.

- Lạy Chúa! Ông là cảnh sát hả?

- Không.

- Thế thì sao ông lại can thiệp vô?

- Tôi can thiệp là để cho công lý được thể hiện.

- Ông có thể tin nơi tôi, bà ấy vô tội.

- Thế thì chính ông là phạm tội.

- Không. Tôi không gây ra tội ác.

- Vậy, ai giết đại tá James Barclay?

- ”Chúa giết ông ta. Nhưng ông hãy nhớ lấy điều này: nếu như tôi có đập vỡ óc y ra thì cũng rất đáng với cái tội của y. Ông muốn tôi khai à? Được, tôi chẳng có gì phải hổ thẹn cả. Đây, hiện giờ trên lưng tôi có một cái bướu lạc đà và những xương sườn xiêu vẹo. Nhưng đã có một thời, hạ sĩ Henr Wood này là người đẹp trai nhất trong trung đoàn bộ binh 117. Thuở đó, chúng tôi ở bên Ấn Độ, tại vùng Bhurtee. Barclay là trung sĩ trong cùng một đại đội với tôi. Còn người đẹp của trung đoàn...

Đúng thế! Là Nancy Devoy; thân phụ cô là trung sĩ trưởng đội. Hai chàng trai cùng yêu cô và chỉ có một được cô yêu thương: Tôi. Tôi đã chiếm được trái tim cô, nhưng cha cô lại ưa Barclay hơn. Tôi là một người mạo hiểm, một tay phiêu lưu, còn Barclay là người có học và người ta đã dự đoán trước là anh sẽ thành sĩ quan. Nhưng Nancy lại tha thiết yêu tôi và tôi tin là tôi sẽ lấy được nàng. Than ôi, cuộc nổi loạn của tính bản địa Cipayes bùng nổ và khắp xứ ngập chìm trong máu lửa!

Toàn thể trung đoàn, thêm phân nửa đội pháp binh, một đại đội lính người Sikhs và nhiều người thường dân cùng đàn bà, trẻ con bị bao vây trong miền Bhurtee. Tới tuần thứ hai thì nước bắt đầu khan hiếm. Cần phải liên lạc với đoàn quân của tướng Neill đang ngược lên xứ đó. Đó là cơ may duy nhất. Tôi tự ý tình nguyện lẻn ra khỏi vòng vây và báo cho tướng Neill biết về tình trạng nguy ngập của chúng tôi. Đề nghị của tôi được chấp thuận. Tôi bàn bạc với trung sĩ Barclay, là người biết rõ thực địa hơn bất cứ ai. Ông ta đã vẽ cho tôi một bản đồ để ra khỏi vòng vây. Tới 10 giờ tối tôi lên đường. Có cả ngàn sinh mạng cần được cứu sống, nhưng thật tâm tôi chỉ nghĩ đến có một người: Nàng.
Phần 4:
Con đường men theo một dòng nước cạn: tôi hy vọng là đi như thế sẽ thoát được sự canh chừng của bên địch. Nhưng trong lúc đang bò, tôi rơi vào tay sáu tên lính gác đang chờ đợi tôi. Trong hai giây, tôi bị choáng váng vì một cú đánh rồi bị trói. Cú đánh đó làm cho tôi đau đớn trong lòng người hơn là ở trên đầu, bởi vì tôi nghe quan Cipayes nói với nhau rằng chính Barclay đã cho một đầy tớ địa phương đến báo tin cho họ, nhờ vậy họ mới bắt được tôi.

Ngày hôm sau, vùng Bhurtee được quân của tướng Neill giải cứu, nhưng quân nổi loạn đem tôi theo chúng trong cuộc rút lui.

Tôi bị tra tấn. Tôi đào thoát. Tôi bị bắt lại và bị hành hạ thành người tàn phế. Một phần quân phiến loạn bỏ trốn qua Népal; tôi phải theo đoàn đó. Chúng tôi còn đi xa hơn, đi tới tận Darjeeling. Ở đó dân sơn cước giết quân phiến loạn và tôi trở thành nô lệ của họ.

Tôi lại bỏ trốn nữa. Nhưng thay vì đi về hướng Nam, tôi lại ngược lên hướng Bắc, đến xứ người Afghans. Tôi lang thang ở đó trong mười năm, rồi trở xuống Punjab là nơi tôi đã sống với dân địa phương, kiếm ăn bằng cách làm trò ảo thuật. Tôi làm sao dám trở về nước Anh. Thà cứ để cho Nancy và các bạn cũ cứ giữ mãi cái hồi ức về một gã Henry Wood đã chết với một cái lưng thẳng, hơn là thấy tôi trong một cái hình thể của một kẻ dị dạng gớm ghiếc như vậy. Họ tin chắc là tôi đã chết. Như thế lại càng hay! Tôi nghe nói Barclay đã cưới Nancy và đã được thăng cấp trong trung đoàn.

Nhưng khi về già, người ta tha thiết nhớ cố hương. Trong những năm dài, rồi những năm dài, tôi đã đeo đuổi theo hình ảnh bao đồng cỏ xanh và các hàng rào bên nước Anh. Sau cùng tôi muốn nhìn lại chúng một lần chót trước khi lìa đời”.

- Câu chuyên của ông thật là cảm động - Sherlock Holmes nói - Tôi đã biết có cuộc gặp mặt giữa ông và bà Barclay. Ông đã đi theo bà ấy về nhà, nhìn qua cánh cửa sổ, ông thấy họ cãi nhau, chắc hẳn là người vợ trách móc ông chồng về câu chuyện ngày xưa. Những tình cảm cá nhân của ông lúc đó đã thắng, ông lièn chạy băng qua bãi cỏ và vào trong phòng.

- Đúng. Thưa. Và khi thấy tôi, y té gục đầu xuống thanh gác củi. Nhưng y đã chết trước khi gục xuống: tôi trông thấy cái chết trên mặt y, cũng rõ ràng như tôi đọc sách này. Việc nhìn thấy tôi tựa như viên đạn súng lục bắn thẳng vào trái tim tội lỗi của y.

- Rồi sau đó?

- Nancy ngất đi. Tôi rút trong bàn tay nàng cái chìa khóa, định mở cửa đi tìm người cấp cứu. Nhưng tôi nảy ra cái ý định nên để nàng lại đó, còn mình thì bỏ trốn. Tôi nhét cái chìa khóa vào túi và đánh rơi cây gậy trong lúc đuổi theo Teddy đang lên lên tấm riđô. Khi tôi nhốt được nó vào trong cái hộp, tôi chạy đi với tốc độ nhanh nhất.

- Teddy là ai? - Holmes hỏi.

Henry cúi xuống và lôi ra một con vật bé nhỏ xinh đẹp màu đỏ lạt, mảnh mai và mềm mại, một cái mũi dài màu hồng và cặp mắt đỏ tuyệt đẹp.

- Một con chồn đen.

- Vâng, người ta gọi như thế, hoặc còn gọi nó là cầy ăn rắn. Tôi gọi nó là con bắt rắn. Tôi có nuôi một con rắn hổ đã bẻ hết răng nanh, và mỗi tối Teddy lại bắt rắn để mua vui cho những người trong xứ. Còn có chuyện gì ông muốn biết nữa không, thưa ông?

- Rất có thể là chúng tôi sẽ cần đến ông, nếu bà Barclay bị gặp khó khăn.

- Trong trường hợp đó, xin ông hãy tuyệt đối tin cậy nơi tôi!

- Giờ đây, ông đã vừa ý khi biết rằng trong ba mươi năm qua, lương tâm ông đại tá đã không ngừng cắn rứt về cái hành vi phản bội của mình. A, ông thiếu tá Murphy đang đi bên kia đường. Xin chào, ông Wood.

Chúng tôi đuổi kịp ông thiếu tá.

- A, Holmes - Thiếu tá reo lên - ông đã biết tin gì chưa.

- Chuyện gì vậy?

- Cuộc điều tra đã kết thúc. Y sĩ chứng nhận rằng nạn nhân chết vì chứng ngập máu. Tóm lại đây chỉ là một vụ thật tầm thường.

- Ồ, rất tầm thường! - Holmes cười và trả lời. - Mình đi thôi, anh Watson! người ta chẳng còn cần đến chúng ta nữa.

Trong lúc đi ra nhà ga, tôi nói với Holmes :

- Có một điều tôi vẫn chưa rõ: người chồng tên là James và người kia là Henry, tại sao bà ấy lại nói đến tên David?

- Đó là một từ ngữ dùng để oán trách.

- Để oán trách?

- Trong kinh Thánh, nhân vật David thỉnh thoảng lại sa đọa, hắn đã hành động y hệt như trung sĩ James Barclay vậy.

HẾT


 

0 comments:

Post a Comment

Followers!

About this blog

When you're sad and have sorrow just visit me...^^

Total Pageviews

Most Viewer